Ngày 21/7, Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) đã có văn bản gửi Sở NN-PTNT các tỉnh/thành phố, các đơn vị nghiên cứu, các tổ chức, cá nhân sản xuất và xuất khẩu chanh dây (chanh leo) và các đơn vị kiểm dịch thực vật về việc xin ý kiến góp ý báo cáo yêu cầu nhập khẩu đối với chanh dây của Việt Nam xuất khẩu sang Úc.
Cục BVTV cho biết đã nhận được thông báo của Bộ Nông nghiệp, Thủy sản và Lâm nghiệp Úc về dự thảo “Báo cáo yêu cầu nhập nhập đối với quả chanh dây tươi của Việt Nam xuất khẩu sang Úc” và gửi cho phía Việt Nam để lấy ý kiến.
Do vậy, Cục BVTV đề nghị các địa phương, hiệp hội và các tổ chức cá nhân liên quan đến sản xuất, xuất khẩu chanh dây tươi sang Úc thực hiện một số nội dung sau:
- Đề nghị các đơn vị đóng góp ý kiến đối với dự thảo báo cáo nói trên trước khi gửi lại cho phía Úc. Bản dự thảo báo cáo tham khảo tại đây (Bằng tiếng Anh).
- Sở NN-PTNT các tỉnh/thành phố chỉ đạo các đơn vị chuyên môn chủ động rà soát, tổng hợp các vùng trồng, cơ sở đóng gói chanh dây tươi đạt yêu cầu và có nhu cầu xuất khẩu sang Úc trong thời gian tới để sẵn sàng cung cấp khi có yêu cầu của nước nhập khẩu.
- Hiệp hội, tổ chức cá nhân chủ động chuẩn bị các điều kiện kỹ thuật về vùng trồng theo yêu cầu của Úc để sẵn sàng xuất khẩu sang thị trường này khi đã mở cửa thành công.
Tóm tắt báo cáo phân tích nguy cơ dịch hại đối với quả chanh dây tươi xuất khẩu từ Việt Nam sang Úc
Bộ Nông nghiệp, Thủy sản và Lâm nghiệp Úc (DAFF) đã hoàn tất dự thảo báo cáo đánh giá đề xuất của Việt Nam về việc tiếp cận thị trường Úc đối với quả chanh dây tươi phục vụ mục đích tiêu dùng.
Trong phần giới thiệu của báo cáo nêu rõ chính sách bảo vệ sinh thái của Úc và mục đích của việc phân tích nguy cơ dịch hại đối với quả chanh dây tươi nhập khẩu từ Việt Nam nhằm bảo vệ nông nghiệp của Úc.
Báo cáo sử dụng nguồn tài liệu tham khảo bao gồm các kết quả nghiên cứu, bằng chứng khoa học và dữ liệu về các loài dịch hại liên quan đến quá trình sản xuất chanh dây như: Nghiên cứu của Gangwar và Gangwar (2018) về vòng đời, phân bố, mức độ gây hại và tác động mặt kinh tế của loài Bemisia tabaci; nghiên cứu của Garcêz et al. (2015) về mối quan hệ giữa mật độ dịch hại và sự lan truyền của loài Cowpea aphid-borne mosaic virus trên chanh dây tại Brazil. Những nghiên cứu này phục vụ cho việc phân tích nguy cơ dịch hại và đề xuất các biện pháp quản lý nguy cơ.
Theo đó, chanh dây tươi được thu hoạch từ các vùng trồng ở Việt Nam có thể được phép nhập khẩu vào thị trường Úc, nhưng phải tuân thủ các yêu cầu về an ninh sinh học. Báo cáo đã xác định có 11 loài dịch hại có nguy cơ về an ninh sinh học, bao gồm ruồi đục quả, rệp, nhện và bọ trĩ (phụ lục 1 kèm theo).
Cục BVTV đề nghị các hiệp hội, tổ chức cá nhân chủ động chuẩn bị các điều kiện kỹ thuật về vùng trồng theo yêu cầu của Úc để sẵn sàng xuất khẩu sang thị trường này khi đã mở cửa thành công. Ảnh: MH.
Cục BVTV đề nghị các hiệp hội, tổ chức cá nhân chủ động chuẩn bị các điều kiện kỹ thuật về vùng trồng theo yêu cầu của Úc để sẵn sàng xuất khẩu sang thị trường này khi đã mở cửa thành công. Ảnh: MH.
Nhằm giảm thiểu các nguy cơ này, dự thảo báo cáo đã đề xuất một số biện pháp quản lý nguy cơ như (phụ lục 2 kèm theo): Thiết lập vùng không nhiễm dịch hại, vùng sản xuất không nhiễm dịch hại hoặc cơ sở sản xuất không nhiễm dịch hại. Việc áp dụng biện pháp xử lý chiếu xạ được xem là hiệu quả trong quản lý các loài ruồi đục quả.
Mọi ý kiến đóng góp và danh sách vùng trồng, cơ sở đóng gói gửi về Cục BVTV (Phòng Hợp tác quốc tế và Truyền thông, điện thoại: 024.3857.0754 và email: htqt.bvtv@mard.gov.vn) trước ngày 20/8/2023. Quá thời gian này, đơn vị được xin ý kiến không trả lời thì coi như đồng ý với dự thảo báo cáo.