Tin địa phương

Vực dậy vựa khoai lang lớn nhất nước

Ai trồng khoai cũng phải tham gia mã số vùng trồng
Để tổ chức lại sản xuất cây khoai lang, chính quyền các cấp ở tỉnh Vĩnh Long đã có nhiều nỗ lực trong tuyên truyền, vận động và hướng dẫn xây dựng mã số vùng trồng cho bà con nông dân. Vừa qua, 27 hồ sơ xin cấp mã số vùng trồng cho cây khoai lang của tỉnh đã được Tổng cục Hải quan Trung Quốc chấp thuận.



Nông dân tích cực chăm sóc khoai lang. Ảnh: Minh Đảm.

Các vùng trồng được cấp mã số lần này tập trung ở các xã Thành Trung, Tân Thành, Tân Hưng, Tân Bình, Tân Lược, Thành Lợi và Nguyễn Văn Thảnh (huyện Bình Tân). Qua đây, đã củng cố hơn nữa niềm hi vọng của người dân về tương lai của cây khoai lang.

Ông Phạm Văn Chào cũng như nhiều nông dân ở xã Thành Trung đang rất phấn khởi trước thông tin khoai lang Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Sau khi thu hoạch vụ lúa đông xuân, ông bắt đầu xuống giống khoai lang trở lại. Hơn một tháng nay, ngày nào ông cũng miệt mài ra đồng chăm sóc khoai từ sáng sớm đến chiều tối. Dưới cái nắng hè đổ lửa, nông dân này cùng với hai nhân công đang cặm cụi tưới từng giọt nước cho khoai mau lớn, chờ doanh nghiệp liên kết đến thu hoạch xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.

Ông Chào cho biết từ khi hay tin khoai lang được Tổng cục Hải quan Trung Quốc thông qua Nghị định thư cho phép xuất khẩu chính ngạch, ông cùng với một số bà con nông dân nơi đây đã xin tham gia xây dựng mã số vùng trồng. Nhờ sự hướng dẫn của ngành chức năng mà rẫy khoai của ông nằm trong vùng trồng 10ha đã được cấp mã số. Theo khẳng định từ phía chính quyền địa phương, nông dân trồng khoai đều đã được tập huấn và làm hồ sơ xây dựng mã số vùng trồng.

“Nếu khoai không nằm trong vùng trồng thì sẽ không xuất khẩu được. Mấy năm qua, bà con cũng thấm đòn do sự phập phù trong giá cả, tiêu thụ nên bây giờ khoai xuống giống là đã có mã số vùng trồng hết, phải làm bài bản, không còn ai dám mạo hiểm nữa”, ông Chào nói. Cũng theo ông, ngoài xây dựng mã số vùng trồng, vùng khoai lang này còn sản xuất theo hướng VietGAP nhằm gia tăng chất lượng củ khoai hơn nữa.

Nông dân sử dụng chế phẩm hữu cơ sinh học để nâng cao chất lượng củ khoai lang. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Võ Hoàng Long, Tổ trưởng Tổ hợp tác khoai lang 1A ở ấp Thành Lộc, xã Thành Trung cho biết, diện tích 17,3ha khoai của Tổ cũng đã được cấp mã số phục vụ xuất khẩu cho thị trường Trung Quốc. Hai năm qua, thấy được nhu cầu thị trường ngày càng quan tâm hơn vấn đề nâng cao chất lượng củ khoai nên bà con trong Tổ đã tham gia các lớp tập huấn sản xuất VietGAP. Hiện nay, khoai lang của bà con trong Tổ hợp tác 1A đã được khoảng 1 tháng tuổi. Ông Long cho hay bà con rất phấn khởi và đang tập trung chăm sóc khoai.

Ông Bùi Thanh Việt, Chủ tịch UBND xã Thành Trung cho biết: Vừa qua, bà con nông dân trong xã đã được tập huấn xây dựng 13 mã số vùng trồng với tổng diện tích 306ha để đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Qua đó, hiện có 10 mã số vùng trồng với diện tích 250ha đã được cấp mã số. Bà con nào không tham gia sản xuất khoai nằm trong mã số phục vụ xuất khẩu cũng được tập huấn, làm hồ sơ để xây dựng mã số vùng trồng phục vụ tiêu thụ nội địa.

Ông Việt cũng cho biết thêm, thời gian xảy ra dịch Covid-19, giá khoai ở mức rất thấp, bà con nông dân lỗ nặng nhiều vụ nên hầu như không còn vốn liếng để tái đầu tư. Trước đây, diện tích khoai của xã đạt trên 1.000ha/vụ. Hiện vụ này mới xuống giống được 126,9ha, khoai từ 1 - 3 tháng tuổi. Riêng khoai lang tím Nhật tiêu thụ thị trường Trung Quốc đến cuối tháng 4 này có khoảng 9ha có thể cho thu hoạch.

Theo khảo sát của UBND xã Thành Trung, chi phí xuống giống khoai vụ này rất đắt đỏ. Các chi phí ban đầu cho mỗi công khoai (1.000m2) như làm đất, lên giồng, dây khoai giống, tiền công trồng đã khoảng 7 triệu đồng, nếu thuê đất thì thêm 2 triệu đồng/vụ. Ước tính, chi phí cả vụ khoảng 25 triệu đồng/công. Mặc dù vậy, nếu lấy giá khoai lang tím Nhật hiện tại 650.000 đồng/tạ (60kg) thì mỗi công khoai thu hoạch 50 tạ nông dân vẫn lời được 7,5 triệu đồng, cao gấp 3 - 4 lần lúa. Thời gian tới, nếu khoai lang xuất khẩu thuận lợi thì diện tích khoai ở xã Thành Trung có thể khôi phục lại ở mức 900ha.

Doanh nghiệp vào cuộc, sẵn sàng xuất khẩu
Chi phí đầu tư cao khiến nông dân chưa thực sự mạnh dạn để tái sản xuất, vì vậy cần sự hỗ trợ từ phía doanh nghiệp. Thời gian qua, UBND xã Thành Trung là cầu nối để các doanh nghiệp tìm đến địa phương tham gia liên kết với người dân tổ chức lại sản xuất. Qua đó, đã giới thiệu 5 doanh nghiệp cho các hợp tác xã, tổ hợp tác.

Tại xã Tân Thành, theo ông Phùng Quang Tâm, cán bộ nông nghiệp xã, UBND xã cũng đã tổ chức trên 10 hội thảo liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và bà con nông dân. Doanh nghiệp cũng đưa ra chính sách hỗ trợ chi phí sản xuất ban đầu, giá sàn bao tiêu sản xuất. Tuy nhiên, cũng như hầu hết các địa phương khác, hiện nay hình thức liên kết thu mua chủ yếu theo giá thị trường, chưa có mức giá cố định.

Ông Lương Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu nông sản Hưng Phú, một trong 3 đơn vị ở Vĩnh Long có kho thu mua được cấp mã số cơ sở đóng gói đợt vừa qua cho hay, doanh nghiệp cũng đang xây dựng mã số vùng trồng, liên kết với bà con nông dân trồng khoai lang tại huyện Bình Tân. Doanh nghiệp có các chính sách liên kết bao tiêu, hỗ trợ chi phí ban đầu từ 30 - 50%. “Nhu cầu khoai lang tím Việt Nam tại thị trường Trung Quốc là rất lớn. Doanh nghiệp đã có đối tác liên kết đầu ra bên đó, họ cũng sẵn sàng rồi”, ông Trung nói.

Bà Nguyễn Ngọc Phương Thảo, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Song Toàn Phát chia sẻ: "Doanh nghiệp cũng đã có chính sách liên kết với bà con nông dân, diện tích khoảng 370ha. Sắp tới, chúng tôi sẽ tổ chức xuất khẩu những lô hàng khoai lang chính ngạch đầu tiên của mình đi thị trường Trung Quốc. Tôi nghĩ rằng đây là bước đầu khơi thông con đường con đường chính ngạch cho khoai lang Việt Nam nói chung và ở tỉnh Vĩnh Long nói riêng. Qua đó sẽ tạo được niềm tin với người trồng khoai, vực dậy nghề trồng khoai lang ở vùng này".

Nông dân Vĩnh Long phấn khởi khôi phục sản xuất, tập trung thâm canh khoai lang theo quy trình đáp ứng điều kiện xuất khẩu. Ảnh: Minh Đãm.


Theo bà Thảo, sau khi tổ chức xuất khẩu lô hàng chính ngạch đầu tiên thành công, Công ty sẽ tiếp tục củng cố, tổ chức liên kết sản xuất chặt chẽ hơn để cây khoai lang phát triển bền vững. Trong đó, sẽ phát huy hơn nữa chuỗi giá trị liên kết, đồng thời nhà nông cũng giúp nông dân thấy được sự quan trọng của việc liên kết với doanh nghiệp để tổ chức sản xuất, nhất là xác định thời điểm, diện tích xuống giống, tránh được sự ùn ứ sản phẩm, rơi vào tình trạng được mùa mất giá như đã từng diễn ra.

Theo Cục Bảo vệ thực vật, tỉnh Vĩnh Long đã có 3 cơ sở đóng gói khoai lang được phía Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp mã số cơ sở đóng gói gồm: Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Song Toàn Phát, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu nông sản Hưng Phú và Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Ân Phú Đạt.

Cũng theo thông báo của Cục Bảo vệ thực vật, hiện còn 3 cơ sở đóng gói cần tiếp tục khắc phục một số nội dung để phía Tổng cục Hải quan Trung Quốc xem xét cấp mã số cơ sở đóng gói. Việc hướng dẫn các đơn vị khắc phục sẽ do Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Vĩnh Long phụ trách.         

Minh Đảm- Hữu Đức (Báo Nông nghiệp Việt Nam)