Tin địa phương

Tăng cường quản lý mã số vùng trồng, đẩy mạnh xuất khẩu nông sản ở Bình Phước

Đây cũng là điều kiện tiên quyết để sản phẩm nông sản được xuất khẩu theo đường chính ngạch. Vì vậy, ngành nông nghiệp tỉnh Bình Phước đang tích cực hỗ trợ các địa phương, hợp tác xã và doanh nghiệp trong việc xây dựng mã số vùng trồng, hướng đến phát triển bền vững, tạo giá trị gia tăng cao và phục vụ xuất khẩu đối với nông sản địa phương.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Phước cho biết, trong tháng 7/2023, trên địa bàn có 23 mã số vùng trồng được cấp cho các hợp tác xã nông nghiệp; trong đó có 21 mã số vùng trồng sầu riêng với 695 ha, sản lượng 13.912 tấn/năm; có 2 cơ sở đóng gói sầu riêng được cấp mã số, với công suất đóng gói từ 60 - 300 tấn/ngày.

Tính đến thời điểm hiện nay, tỉnh đã có tổng cộng 48 mã số vùng trồng được cấp chứng nhận, với tổng diện tích 3.800 ha, sản lượng 134.753 tấn nông sản/năm. Nông sản từ vùng trồng được cấp chứng nhận của Bình Phước được xuất khẩu qua thị trường Hoa Kỳ và Trung Quốc. 

Trong số 48 mã số vùng trồng được cấp, cây sầu riêng có 38 mã số, thanh long 1 mã số, nhãn 1 mã số, xoài 1 mã số, chuối 4 mã số và mít 3 mã số.

Với mục tiêu tập trung thiết lập, cấp, quản lý và giám sát cho vùng sản xuất, ngành nông nghiệp đã đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai quy định về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói; phối hợp với đơn vị liên quan, huyện, thị xã, thành phố tổ chức 11 lượt hội nghị, tập huấn về mã vùng trồng cho khoảng 500 lượt nông dân; tập trung hỗ trợ, thiết lập, cấp mã số cho các vùng; giải quyết hồ sơ đề nghị của chủ sở hữu hoặc người đại diện vùng trồng, cơ sở đóng gói trên cơ sở tuân thủ đúng quy định, minh bạch, trách nhiệm.

 


Những năm gần đây, sầu riêng là cây trồng có giá trị kinh tế cao nên được nhiều nhà nông trong tỉnh lựa chọn trồng. Tuy nhiên, để tránh tình trạng chặt bỏ khi sầu riêng rớt giá, rất cần định hướng chiến lược của ngành chức năng. Ảnh: Viết Bằng


Theo Cục Thống kê tỉnh Bình Phước, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 14.423 ha diện tích trồng cây ăn trái. Riêng diện tích trồng cây sầu riêng khoảng 4.800 ha; trong có khoảng 2.300 ha cho sản phẩm, năng suất khoảng 95 tạ/ha, sản lượng 21.800 tấn/năm. 

Tỉnh định hướng phát triển diện tích trồng sầu riêng lên 8.000-10.000 ha theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, liên kết chuỗi cung ứng sản phẩm phục vụ xuất khẩu.

Vừa qua, UBND tỉnh Bình Phước đã ban hành công văn về việc giao nhiệm vụ cấp, quản lý mã số vùng trồng. Theo đó, tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các đơn vị làm đầu mối, chủ trì thực hiện thiết lập hồ sơ đề nghị cấp mã số vùng trồng và quản lý, sử dụng mã số vùng trồng ở địa phương đảm bảo đúng quy định; tổ chức tập huấn, hướng dẫn nâng cao nhận thức cho tổ chức, cá nhân về mã số vùng trồng và thường xuyên kiểm tra, giám sát việc sử dụng mã số vùng trồng đã được cấp cho các tổ chức, cá nhân tại địa phương đảm bảo yêu cầu truy xuất nguồn gốc khi cần thiết. 

Hằng năm, xây dựng kế hoạch, dự trù và bố trí kinh phí xây dựng và quản lý mã số vùng trồng tại địa phương theo quy định.

Bình Phước có diện tích đất nông nghiệp lớn; trong đó có hàng nghìn héc ta đất trồng cây sầu riêng hứa hẹn mang lại triển vọng cho nông dân khi mã số vùng trồng được nhân rộng đưa trái sầu riêng xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, Hoa Kỳ.

Nguồn: https://vietnamnet.vn/tang-cuong-quan-ly-ma-so-vung-trong-day-manh-xuat-khau-nong-san-o-binh-phuoc-2174993.html