Tin địa phương

Đắk Nông đặt mục tiêu gần 10.000 ha cây trồng chủ lực

Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng Phòng NN& PTNT huyện Đắk Mil, hiện nay, các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện chủ yếu là cà phê, cây ăn trái. Địa phương có 5 sản phẩm lên sàn thương mại điện tử.

Để phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, huyện Đắk Mil đang xây dựng lộ trình hình thành các vùng trồng trọt, chăn nuôi tập trung. Dự kiến đến năm 2025, huyện mở rộng quy mô vùng sản xuất cà phê công nghệ cao tại các xã Thuận An, Đắk Lao, Đức Minh, Đức Mạnh với quy mô 5.820 ha; vùng sản xuất cây ăn quả tại xã Đắk Gằn, quy mô 1.200 ha.

Sau khi hình thành vùng nguyên liệu tập trung, ngành Nông nghiệp huyện sẽ tiếp tục hỗ trợ cung cấp mã vùng trồng, giúp người dân thuận lợi hơn trong tiêu thụ sản phẩm. Địa phương chú trọng phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, ứng dụng công nghệ cao... Đây là cơ sở để huyện thu hút đầu tư, hình thành các chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Ông Tuấn cho biết: “Đắk Mil đang tập trung xây dựng gian hàng OCOP để quảng bá các sản phẩm nông sản. Đồng thời, huyện chú trọng liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh quảng bá sản phẩm đặc trưng thế mạnh của mình. Đặc biệt, sản phẩm cà phê Đức Mạnh, Thuận An hiện đã được xuất khẩu sang thị trường các nước”.

Đến nay, Đắk Nông đã hình thành được 4 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được công nhận với tổng diện tích 2.423 ha và hơn 69.500 ha ứng dụng một phần công nghệ cao. Toàn tỉnh hiện có 60 sản phẩm của 54 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất được chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP. Nhiều sản phẩm có hàm lượng chế biến sâu, được thị trường trong, ngoài nước biết đến. Các sản phẩm OCOP có doanh thu tăng bình quân 26%/năm.



Tái canh cây cà phê giúp người dân xã Thuận An thoát nghèo.

Theo Kế hoạch số 550 của UBND tỉnh ngày 24/8/2023, Đắk Nông phấn đấu đến năm 2030 sẽ triển khai cấp 648 mã số vùng trồng cho các cây trồng chủ lực, thế mạnh của tỉnh và địa phương, với tổng diện tích 9.928,17 ha.

Trong đó, ưu tiên cấp 148 mã số vùng trồng cho vùng sản xuất nông sản thuộc quy hoạch các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, vùng nguyên liệu, với diện tích 7.428,17 ha. Đắk Nông cấp khoảng 500 mã số vùng trồng cho các tổ chức, cá nhân đăng ký hồ sơ với diện tích khoảng 2.500 ha trên tất cả các loại cây trồng tại địa phương.

Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT, để thực hiện mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển nông nghiệp bền vững, tỉnh Đắk Nông tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp từ sản xuất, chế biến, quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm đến tiêu thụ. Trong đó, doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm, hỗ trợ cung ứng vật tư đầu vào cho sản xuất; thu mua, chế biến, tiêu thụ nông sản cho nông dân; xây dựng thương hiệu nông sản mới, quảng bá các thương hiệu hiện có ra thị trường nước ngoài.

Liên quan đến vấn đề này, đồng chí Lê Trọng Yên, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, Đắk Nông cần tập trung xác định, xây dựng các sản phẩm đặc trưng so với các tỉnh bạn. Các ngành hàng cây chủ lực, tiềm năng để bảo đảm xuất khẩu cần xây dựng chuẩn về kỹ thuật, tránh rào cản xuất khẩu, được mùa mất giá và ngược lại.

Toàn tỉnh chú trọng đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế hợp tác; thúc đẩy liên kết chặt chẽ theo chuỗi giá trị tại các vùng sản xuất tập trung; có sự phối hợp đồng bộ giữa nhà nước, nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học.

Theo Báo Đăk Nông