Những năm qua, việc phát triển vườn cây ăn trái tại nhiều địa phương vùng Nam Bộ diễn ra rất nhanh. Chính quyền địa phương cũng tích cực khuyến khích, hỗ trợ người dân chuẩn hóa sản xuất theo các tiêu chuẩn, chất lượng để tạo ra sản phẩm trái cây an toàn, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Yêu cầu đổi mới sản xuất
Ðời sống được nâng cao, người tiêu dùng ngày càng đòi hỏi cao về chất lượng của các loại trái cây. Trái cây nước ta muốn vào các siêu thị hay xuất khẩu đi các nước không chỉ đòi hỏi phải ngon, an toàn, đạt theo các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt như VietGAP, Global GAP… mà còn phải có mã số vùng trồng (MSVT) và mã số cơ sở đóng gói (MSCSÐG) để truy xuất được nguồn gốc. Theo Cục Bảo vệ thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), các thị trường khó tính như Mỹ, Úc, Nhật đều đưa ra yêu cầu về MSVT và MSCSÐG đối với nông sản nhập khẩu. Từ năm 20218, Trung Quốc cũng đã đưa ra yêu cầu như trên với các loại nông sản nhập khẩu vào nước họ.
Trung Quốc cũng đang tăng cường sản xuất nhiều loại trái cây trong nước để giảm nhập khẩu và đa dạng nguồn hàng nhập khẩu trái cây từ nhiều nước... Ðiều này đã và đang gây tác động rất lớn đến việc xuất khẩu nhiều loại trái cây tươi của nước ta sang thị trường Trung Quốc. Thực tế cho thấy, từ năm 2021 đến nay, đã có không ít lần xảy ra tình trạng ùn ứ trái cây xuất khẩu tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc liên thông với thị trường Trung Quốc như mít, dưa hấu, thanh long... Do các loại trái cây này chủ yếu tiêu thụ dạng tươi thô, không thể bảo quản lâu và chưa đa dạng được nhiều thị trường xuất khẩu nên dễ gặp cảnh “thừa hàng dội chợ”, giá bán giảm mạnh, nhất là khi xuất khẩu sang Trung Quốc gặp khó.
Thu hoạch sầu riêng ở quận Ô Môn, TP Cần Thơ.
Hiện nay, việc trồng cây ăn trái tại nhiều địa phương ngày càng chịu ảnh hưởng tiêu cực từ biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn và các điều kiện thời tiết, mưa nắng cực đoan, sâu bệnh, dịch hại. Giá phân bón và nhiều loại vật tư nông nghiệp lại tăng cao. Ðể sản xuất bền vững và tiêu thụ được sản phẩm, nông dân phải kịp thời đổi mới, chuẩn hóa sản xuất theo yêu cầu thị trường và chủ động thích ứng với các điều kiện sản xuất bất lợi. Nông dân phải tăng cường liên kết với nhau và với các doanh nghiệp, các bên liên quan trong chuỗi ngành hàng để khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, thiếu gắn kết với các khâu chế biến và tiêu thụ.
Hỗ trợ nông dân
Hiện cả nước có hơn 1 triệu héc-ta cây ăn trái, trong đó vùng ÐBSCL chiếm gần 40% diện tích cả nước. Những năm qua, diện tích trồng cây ăn trái tại vùng ÐBSCL đã liên tục tăng mạnh, nếu năm 2010 toàn vùng chỉ có khoảng 287.300ha cây ăn trái thì đến năm 2020 đã lên ở mức hơn 377.700ha và còn tiếp tục tăng. Ðể giúp nông dân nâng cao hiệu quả trồng cây ăn trái, ngành chức năng tại các địa phương vùng ÐBSCL đang tích cực tăng cường tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ nông dân xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, thích ứng biến đổi khí hậu. Khuyến khích người dân, doanh nghiệp tăng cường liên kết theo chuỗi, kịp thời khắc phục những hạn chế trong khâu bảo quản, chế biến nhằm giảm áp lực tiêu thụ khi trái cây bước vào rộ mùa thu hoạch và nâng cao được giá trị gia tăng.
Tiền Giang có hơn 84.000ha cây ăn trái, với sản lượng đạt 1,6 triệu tấn/năm. Theo ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang, với diện tích và sản lượng cây ăn trái khá lớn, ngành Nông nghiệp tỉnh xác định đây là cây trồng chủ lực và đang tập trung đẩy mạnh công tác cấp MSVT, MSCSÐG để truy xuất nguồn, đảm bảo chất lượng sản phẩm và thúc đẩy sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ. Tỉnh cũng rất phấn khởi khi vừa qua tiếp tục có thêm doanh nghiệp đến tỉnh đầu tư nhà máy chế biến sâu về trái cây như dừa, thanh long, xoài, đu đủ... Tuy nhiên, do nhiều loại trái cây có sản lượng lớn như mít, thanh long... chưa được xuất khẩu đi nhiều nước mà chủ yếu còn tập trung xuất khẩu với khoảng 80% vào thị trường Trung Quốc. Mỗi khi thị trường Trung Quốc có sự cố đóng cửa hay chậm thông quan thì nông dân gặp khó ngay. Do vậy, cần có các giải pháp căn cơ, lâu dài. Bộ NN&PTNT đã triển khai thực hiện Quyết định 150/QÐ-TTg của Chính phủ về chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và mới đây là quy hoạch tổng thể phát triển nông nghiệp ÐBSCL. Tỉnh Tiền Giang sẽ bám vào các nội dung này để phát huy thế mạnh về cây ăn trái, đảm bảo trái cây đạt chất lượng, ngon, có thương hiệu và có liên kết chặt từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ để từng bước phát triển ổn định, bền vững.
Ðến nay, TP Cần Thơ đã có hơn 23.400ha cây ăn trái, với sản lượng thu hoạch trái đạt hơn 167.700 tấn/năm. Theo ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, bên cạnh hỗ trợ cây giống, tập huấn kỹ thuật và thúc đẩy nông dân tăng cường liên kết, sản xuất theo hướng tập trung, đạt các tiêu chuẩn chất lượng và an toàn đáp ứng nhu cầu thị trường. Cần Thơ cũng đã và đang tích cực hỗ trợ nông dân trong kết nối cung - cầu, quảng bá sản phẩm. Kết nối, mời gọi các doanh nghiệp tham gia liên kết, bao tiêu sản phẩm trái cây cho nông dân và đầu tư phát triển các nhà máy chế biến, bảo quản trái cây.
Nhiều loại cây ăn trái chủ lực như chuối, xoài, nhãn, bưởi, cam, sầu riêng, chôm chôm, mít... đã được nông dân đẩy mạnh đầu tư sản xuất và hình thành được nhiều vùng sản xuất tập trung tại các tỉnh, thành ÐBSCL, tạo thuận lợi cho quản lý sản xuất và kết nối với các khâu chế biến và tiêu thụ. Cùng với sự quan tâm của Nhà nước trong đầu tư phát triển hệ thống thủy lợi, nông dân cũng chủ động thực hiện nhiều giải pháp như: trữ nước trong mương vườn, đầu tư các hệ thống bờ bao, hệ thống tưới nhỏ giọt, tưới phun tự động... nhằm chủ động nước tưới tiêu. Sản xuất trái cây rải vụ, nghịch mùa cũng đã được các địa phương quan tâm đẩy mạnh thực hiện trên nhiều loại cây trái, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất.
Theo Khánh Trung (Báo Thế giới tiếp thị)