Tin tức & Sự kiện

Hội nghị tập huấn hướng dẫn sản xuất thanh long đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường Châu Âu

Trong khuôn khổ của dự án “Cơ chế hệ thống cho thương mại an toàn hơn ở Việt Nam và Lào” (viết tắt là SYMST) do Liên minh Châu Âu (EU) tài trợ, Cục Bảo vệ thực vật hiện đã phối hợp với Trung tâm thương mại quốc tế (ITC) và Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An tổ chức khóa tập huấn “hướng dẫn sản xuất thanh long đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường Châu Âu” từ ngày 10/4 đến ngày 11/4/2023 để hướng dẫn cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý và nông dân sản xuất thanh long sao cho đạt tiêu chuẩn xuất khẩu đi thị trường EU.

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đã mở ra cơ hội để tăng cường thương mại giữa EU và Việt Nam. Hiện nay, EU đã trở thành một trong những thị trường hấp dẫn nhất cho nông sản của Việt Nam, trong đó có mặt hàng quả thanh long. Long An hiện là tỉnh xếp thứ 2 của cả nước về diện tích và sản lượng thanh long. Tuy nhiên, EU nằm trong nhóm thị trường có tiêu chuẩn quản lý thực phẩm nhập khẩu cao nhất thế giới với các quy tắc rất chi tiết và chặt chẽ để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, sức khỏe động thực vật và môi trường. 

Quang cảnh hội nghị

Mới đây, ngày 26/1/2023 Uỷ ban châu Âu đã ban hành quy định số 2023/174, sửa đổi quy định 2019/1793 về việc áp dụng tạm thời các biện pháp kiểm soát chính thức và khẩn cấp đối với quả thanh long nhập khẩu từ Việt Nam và EU tiếp tục duy trì trong danh mục yêu cầu bổ sung giấy Chứng nhận an toàn thực phẩm theo Phụ lục 2, Quy định số (EU) 2021/2246 sửa đổi bổ sung Quy định (EU) 2019/1793, và vẫn giữ tần suất kiểm tra các lô hành thanh long của Việt Nam là 20%. Điều này gây khó khăn không nhỏ cho người sản xuất và các doanh nghiệp xuất khẩu thanh long của Việt Nam nói chung và Long An nói riêng.

Để nhập khẩu thanh long vào thị trường EU, các bên liên quan trong chuỗi sản xuất-xuất khẩu thanh long cần hiểu rõ yêu cầu quản lý của EU về an toàn thực phẩm và sức khỏe thực vật, cũng như phải tuân thủ các quy định liên quan. Do đó, một trong những mục tiêu ưu tiên của dự án SYMST tại Việt Nam là tập trung vào phổ biến thông tin và nâng cao nhận thức về các vấn đề liên quan đến sức khỏe thực vật và thuốc bảo vệ thực vật khi xuất khẩu từ Việt Nam sang EU, trong đó, quản lý tốt vùng trồng và cơ sở đóng gói thanh long xuất khẩu sẽ giúp cho việc đảm bảo chất lượng, giám sát chặt chẽ sinh vật gây hại, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên quả thanh long và truy xuất được nguồn gốc. 

Kiểm tra triệu chứng bệnh hại thanh long

Sau hai ngày tập huấn, kết quả khảo sát cho thấy học viên tham gia tập huấn đã nâng cao nhận thức về quy định của EU. Đặc biệt, khóa tập huấn còn có sự tham dự của lãnh đạo một số huyện chính trồng thanh long. Hy vọng rằng, kiến thức và kinh nghiệm được chia sẻ tại khóa tập huấn sẽ giúp nông dân, cán bộ kỹ thuật, doanh nghiệp xuất khẩu và các bên liên quan hiểu rõ và tuân thủ đúng quy định của EU đối với thanh long để quả thanh long Việt Nam nói chung và Long An nói riêng có mặt nhiều hơn trên các kệ hàng của EU.

Dự án SYMST được thực hiện với mục đích nhằm nâng cao năng lực quốc gia trong việc giải quyết các vấn đề an toàn thực phẩm và sức khỏe thực vật trong sản xuất và xuất khẩu nông sản có nguồn gốc thực vật.