Vẫn còn việc mượn mã số xuất khẩu
Tại hội nghị, ông Võ Văn Men - chi cục trưởng chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tiền Giang, cho biết trên địa bàn vẫn còn việc mượn mã số vùng trồng của người khác để xuất khẩu hay địa phương chưa nắm được thông tin về sản lượng của từng mã số vùng trồng để giám sát lượng xuất khẩu, điều này dẫn tới nguy cơ không đáp ứng được yêu cầu của nước nhập khẩu.
"Như trái sầu riêng, có thời điểm giá lên cao nên người dân, thương lái thu hái khi chưa đủ độ chín, dẫn tới ảnh hưởng tới chất lượng. Tới đây, tỉnh sẽ tập trung tăng cường chất lượng trái cây xuất khẩu" - ông Men nói và đề nghị các tỉnh chia sẻ thông tin về sản lượng, thời gian thu hoạch để giám sát, tránh tình trạng gian lận.
Đại diện chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk cho biết sầu riêng đang là cây trồng chính của tỉnh.
Hiện tính liên kết, tổ chức cấp và quản lý vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề, liên kết giữa nông dân với nông dân, nông dân với hợp tác xã chưa chặt chẽ.
Lực lượng chức năng kiểm tra lô hàng thanh long trước khi xuất khẩu - Ảnh: HÀ QUÂN
"Ngay cả những cơ sở, tổ chức được cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói cũng chưa có ý thức bảo vệ mã được cấp. Người được cấp phải có hiểu biết, nắm bắt tất cả những vấn đề liên quan đến Nghị định thư..." - đại diện tỉnh Đắk Lắk nói.
Ông Hoàng Khánh Duy, phó trưởng ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, cho biết Trung Quốc ngày càng nâng cao yêu cầu đối với chất lượng các mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là đối với hoạt động kiểm soát sinh vật gây hại trên các mặt hàng này.
"Trong quá trình kiểm hóa, khi phát hiện một trường hợp có sinh vật gây hại trên mặt hàng, phía bạn xử lý rất nặng, yêu cầu toàn bộ lô hàng phải quay đầu về Việt Nam, đôi khi còn dừng nhập khẩu mặt hàng này trong một thời gian dài, như tiền lệ đã có mặt hàng quả ớt của Việt Nam" - ông Duy nhấn mạnh.
Vi phạm kéo dài có thể mất thị trường
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Trung nhận định các vi phạm về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm đang có chiều hướng gia tăng trong thời gian gần đây, đặc biệt là đối với các lô hàng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Nếu tình trạng vi phạm này kéo dài, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đối với các ngành hàng xuất khẩu, làm mất uy tín của hàng nông sản Việt Nam, thậm chí có thể đánh mất thị trường đã phải mất rất nhiều công sức, thời gian và nguồn lực để mở cửa.
Nông dân Cư M’gar, Đắk Lắk thu hoạch sầu riêng chín sớm - Ảnh: TÂM AN
Trước tình hình này, ông Trung cho biết Bộ đã chỉ đạo các đơn vị kiểm dịch thực vật tại cửa khẩu tăng cường kiểm tra, kiểm soát hàng hóa và thông tin về vùng trồng, cơ sở đóng gói liên quan tới lô hàng. Phát hiện, xử lý và tuyệt đối không cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật cho các lô hàng không đáp ứng được yêu cầu nước nhập khẩu.
"Tới đây, các lô hàng vi phạm kiểm dịch tại cửa khẩu hoặc có thông báo vi phạm từ nước nhập khẩu thì Bộ sẽ yêu cầu dừng sử dụng và khai thác các mã số vi phạm. Sau đó, địa phương, doanh nghiệp, chủ các mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói phải có tìm hiểu nguyên nhân, đánh giá cụ thể và lập báo cáo để Bộ làm việc với nước nhập khẩu để xem xét việc cho phép sử dụng mã số hay không" - ông Trung nhấn mạnh.
CHÍ TUỆ (Báo Tuổi trẻ)