Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, 3 tháng đầu năm nay, xuất khẩu rau quả đạt khoảng 1,25 tỷ USD, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là lần đầu tiên xuất khẩu rau quả đạt và vượt con số 1 tỷ USD ngay trong quý I của năm.
Trước đó, năm 2023, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt kỷ lục với 5,69 tỷ USD, tăng gần 70% so với năm 2022. Đặc biệt, thanh long, sầu riêng là mặt hàng có giá trị xuất khẩu cao nhất, đều trên 2 tỷ USD. Các thị trường xuất khẩu rau quả hàng đầu của Việt Nam là Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Hà Lan, Australia… Trong đó Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam và chiếm tỷ trọng 65%.
Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, xuất khẩu rau quả tăng trưởng tốt trong thời gian qua là nhờ Cục Bảo vệ thực vật đã đàm phán thành công để Việt Nam ký Nghị định thư về kiểm dịch thực vật với nhiều nước, đặc biệt là Trung Quốc.
Năm 2022, Việt Nam đã “chính ngạch hóa xuất khẩu” cho 7 loại nông sản gồm: chanh leo, sầu riêng, chuối, khoai lang (sang Trung Quốc), nhãn (sang Nhật Bản) bưởi, chanh (sang New Zealand). Năm 2023, Cục Bảo vệ thực vật tiếp tục đàm phán thành công để mở cửa thị trường Hoa Kỳ đối với dừa tươi xuất khẩu và ký kết Nghị định thư xuất khẩu dưa hấu sang Trung Quốc.
Tính đến nay, Việt Nam đã có 14 loại nông sản xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, trong đó có 13 mặt hàng rau quả, gồm: khoai lang, thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, măng cụt, thạch đen, vải, chanh dây và sầu riêng. Số liệu từ Hải quan Trung Quốc cho thấy, năm 2023, Việt Nam đã vượt Chile, giành vị trí thứ hai (sau Thái Lan) về xuất khẩu rau, củ, quả và sản phẩm chế biến sang nước này với kim ngạch 3,4 tỷ USD. Thị phần của Việt Nam tại thị trường Trung Quốc tăng gần gấp đôi từ 8% năm 2022 lên 14% năm 2023.
Cũng trong năm 2023, Cục Bảo vệ thực vật đã cấp 6.997 mã số vùng trồng; cấp 1.613 mã số cơ sở đóng gói cho hơn 20 loại sản phẩm để xuất khẩu. Công tác kiểm dịch thực vật xuất nhập khẩu được đẩy mạnh, đã kiểm dịch được 46 triệu tấn hàng hóa xuất khẩu và 47 triệu tấn nhập khẩu.
Hiện tại, Cục Bảo vệ thực vật đang đàm phán, hoàn thiện hồ sơ mở cửa thị trường đối với 6 sản phẩm, gồm: trái cây có múi (bưởi, cam, quýt...), dừa, sầu riêng cấp đông, ớt, dược liệu. Cùng với quá trình đàm phán mở rộng thị trường, Cục Bảo vệ thực vật, sẽ tích cực phối hợp với các địa phương mở rộng số lượng và diện tích mã số vùng trồng, số lượng cơ sở đóng gói để đáp ứng các yêu cầu của nước nhập khẩu. Đồng thời, tập trung giám sát để vùng trồng và cơ sở đóng gói duy trì được các điều kiện đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu.
Theo Tiểu Phong (Báo Đại biểu Nhân Dân)