Tin địa phương

Nông sản Ðắk Nông chuẩn hóa để rộng đường xuất khẩu

Những năm qua, các HTX, doanh nghiệp, hộ sản xuất ở Đắk Nông đã chú trọng xây dựng, mở rộng vùng nguyên liệu sản xuất theo các tiêu chuẩn quốc tế. Việc đạt các tiêu chuẩn này cùng với việc được cấp mã vùng trồng, các quy định của nước nhập khẩu đã mở lối cho nông sản của tỉnh rộng đường xuất khẩu.

Sản xuất theo tiêu chuẩn xuất khẩu

HTX Nông nghiệp, thương mại và dịch vụ xoài Đắk Gằn (Đắk Mil) được thành lập từ năm 2018. Sau nhiều năm thành lập, HTX đã thay đổi quy trình sản xuất, đáp ứng yêu cầu sản phẩm an toàn thực phẩm.

HTX hiện có vùng nguyên liệu xoài rộng tới 343 ha đã được chứng nhận VietGAP. HTX được cấp mã vùng trồng xoài với 5 loại sản phẩm xoài chủ yếu. Trong đó, nổi bật gồm: xoài Đài Loan xanh, xoài Đài Loan đỏ, xoài Thái Lan, xoài ba mùa và xoài Úc.

Các thành viên của HTX đã áp dụng công nghệ hiện đại trong quá trình chăm sóc, đầu tư hệ thống tưới nước tiết kiệm kết hợp với bón phân.

Ông Hà Quang Đạo, Giám đốc HTX cho biết, ngay từ khi thành lập, HTX đã tìm hiểu và hướng tới việc đưa sản phẩm xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Do đó, HTX đã áp dụng quy trình sản xuất, đáp ứng yêu cầu và các quy định của nước nhập khẩu. Hiện nay, thương lái đã thu mua và xuất khẩu các sản phẩm xoài của HTX sang Trung Quốc.

"Dù đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng do giá bán sản phẩm chưa cao, nên HTX đang tìm kiếm đối tác để xuất khẩu trực tiếp", ông Đạo cho biết.


Cây ăn trái đang hình thành vùng nguyên liệu với các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, mã vùng trồng phục vụ xuất khẩu

Tương tự, sau nhiều năm hoạt động, Công ty TNHH Thương mại xuất nhập khẩu Nghiệp Xuân (Gia Nghĩa) đã hình thành vùng nguyên liệu hơn 300 ha với các loại cây trồng gồm chanh leo, sầu riêng, mít.

Trong đó, hơn 30 ha của Công ty đã được cấp mã vùng trồng. Công ty đã được cấp mã cơ sở đóng gói. Đối với diện tích còn lại, Công ty đang xây dựng tiêu chuẩn để được cấp mã vùng trồng.

Bà Lầu Kiều Vân, Giám đốc Công ty cho biết, Công ty hướng tới thị trường xuất khẩu. Do đó, ngay từ khi bắt tay xây dựng vùng nguyên liệu, Công ty đã chủ động tìm hiểu yêu cầu của nước nhập khẩu để thực hiện theo.

Với cách làm đó, một số nông sản của công ty như mít, chanh leo đã xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Đối với thị trường Trung Quốc, ngoài việc bảo đảm các tiêu chuẩn về quy trình sản xuất, an toàn thực phẩm thì không thể thiếu mã vùng trồng và cơ sở chế biến.

Theo kinh nghiệm của bà Vân, mỗi thị trường có một yêu cầu nhất định, mỗi mặt hàng lại có những yêu cầu riêng. Đơn cử, Trung Quốc đang mở cửa cho 10 loại hoa quả.

Thế nhưng, những mặt hàng này phải có mã vùng trồng và mã cơ sở đóng gói phải được họ phê duyệt. Một số nước châu Âu họ yêu cầu tiêu chuẩn hữu cơ.

Vì vậy, người sản xuất nhắm đi thị trường nào thì phải biết yêu cầu của nước nhập khẩu để đáp ứng. Mỗi mặt hàng, mỗi quốc gia quy định rào cản thuốc bảo vệ thực vật khác nhau, nên phải nắm rõ để sản xuất.

"Năm vừa rồi, Công ty xuất khẩu hơn 1.000 tấn dịch chanh dây cấp đông sang thị trường Trung Quốc một cách suôn sẻ", bà Vân chia sẻ.


Nông sản Đắk Nông từng bước đáp ứng yêu cầu xuất khẩu


Chuẩn hóa vùng trồng để xuất khẩu

Đắk Nông đã hình thành các vùng trồng lớn cho các loại cây chủ lực như cà phê, hồ tiêu, điều, cao su và các loại cây ăn trái.

Hiện nay đã có nhiều doanh nghiệp, hộ dân, HTX chuyển đổi quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ và đã có chứng nhận. Đây là một lợi thế rất lớn để nông sản xuất khẩu.

Tuy nhiên, để xuất khẩu được nông dân phải nắm rõ quy trình canh tác và áp dụng khoa học kỹ thuật cũng như biết được những rào cản  của nước nhập khẩu.

Bà con phải nắm rõ những danh mục thuốc bảo vệ thực vật cho phép sử dụng và cấm. Người dân cần quan tâm đúng mức tới những tiêu chuẩn và yêu cầu của nước nhập khẩu về mặt hàng nhập khẩu.

Năm 2022, Chi cục Phát triển nông nghiệp đã hoàn thiện và đang gửi hồ sơ tới Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) thẩm định 24 hồ sơ cấp mã vùng trồng, 4 cơ sở đóng gói. Ngoài ra, có 31 hồ sơ đăng ký mã vùng trồng đang được Chi cục kiểm tra, đánh giá.

Tỉnh Ðắk Nông có 218.746 ha cây lâu năm như cà phê, cao su, hồ tiêu, cây ăn trái...; 97.628 ha cây hàng năm như lúa, bắp, mì, khoai lang, rau... Trong đó, có khoảng 26.000 ha được chứng nhận sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt (GAP). Ðắk Nông có 10 cơ sở sản xuất đạt chứng nhận hữu cơ, với 659 ha, sản lượng 2.525 tấn gồm: cà phê, hồ tiêu, rau, bơ, sầu riêng, cây ăn quả, mắc ca. 

Chi cục đang tích cực hướng dẫn người dân áp dụng sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hình thành các chuỗi liên kết để có số lượng sản phẩm lớn, chất lượng cao phục vụ xuất khẩu.

Toàn tỉnh hiện có 16 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu, với tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu năm 2022 đạt khoảng 1.170 triệu USD. Thị trường xuất khẩu hàng hóa của tỉnh hiện được mở rộng đến 35 quốc gia, với các sản phẩm xuất khẩu khá phong phú.

Trong đó, cà phê xuất khẩu sang Singapore, Nhật Bản, Mỹ, Nga, Úc; hạt điều xuất sang Singapore, Indonesia, Úc, Đức, Trung Quốc; hạt tiêu đen xuất sang Singapore, Hàn Quốc...

Bà Nguyễn Thị Tình, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, các loại cây trồng hiện nay đang hướng tới xây dựng mã vùng trồng, xây dựng cơ sở dữ liệu để quản lý, làm nền tảng phục vụ xuất khẩu.

Sau này chỉ cần tích hợp nhu cầu và đòi hỏi của nước nhập khẩu để hoàn thiện. Ngành đang xây dựng kế hoạch, đưa ra các lộ trình, theo thứ tự ưu tiên các cây trồng chủ lực, rau quả.

Đối với các sản phẩm xuất khẩu ngành hỗ trợ các doanh nghiệp, công ty, HTX để xây dựng mã vùng trồng theo tiêu chuẩn của Trung Quốc và theo tiêu chuẩn 1 số nước khác.

Hưng Nguyên