Quy định của các nước

Yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với dừa tươi của Việt Nam nhập khẩu vào Trung Quốc

Vào ngày 19/08/2024 vừa qua, nhân chuyến thăm và làm việc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đến Trung Quốc, Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với xuất khẩu dừa tươi từ Việt Nam sang Trung Quốc đã được ký kết giữa Bộ Nông nghiệp & PTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Sự kiện này có ý nghĩa to lớn đối với ngành dừa của Việt Nam, mở ra một thị trường xuất khẩu dừa mới đầy triển vọng với hơn 1,4 tỷ dân, bên cạnh thị trường Hoa Kỳ cũng vừa mới mở cửa đối với sản phẩm này vào tháng 8/2023.
Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với xuất khẩu dừa tươi từ Việt Nam sang Trung Quốc gồm 9 Điều. Trong đó, đặc biệt lưu ý các điểm sau:
- Dừa tươi của Việt Nam được xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc bao gồm dừa tươi (cả quả có vỏ xanh và cuống ngắn(≦5cm); và dừa không có vỏ), phải tuân thủ các luật về kiểm dịch thực vật, quy định và tiêu chuẩn liên quan đến an toàn và vệ sinh thực phẩm của Trung Quốc, không bị nhiễm các loài đối tượng kiểm dịch thực vật mà phía Trung Quốc quan tâm (xem Phụ lục), cành, lá và đất.
- Tất cả các vùng trồng và cơ sở đóng gói dừa xuất khẩu sang Trung Quốc phải được đăng ký với MARD và được cả Tổng Cục Hải quan Trung Quốc (GACC) và MARD phê duyệt.
- Trước khi xuất khẩu, MARD phải gửi cho GACC danh sách các vùng trồng và cơ sở đóng gói đã đăng ký để phê duyệt và danh sách này sẽ được cập nhật thường xuyên. GACC sẽ đăng tải danh sách này trên website.
- Tất cả các vườn trồng đã đăng ký xuất khẩu sang Trung Quốc phải xây dựng hệ thống quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc, đồng thời áp dụng theo nguyên tắc Thực hành nông nghiệp tốt, áp dụng chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), thực hiện chương trình quản lý để giám sát vùng trồng đối với các loài đối tượng kiểm dịch thực vật mà Trung Quốc quan tâm.
- Các hoạt động giám sát và quản lý dịch hại phải được thực hiện theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật am hiểu về lĩnh vực kiểm dịch thực vật và cán bộ kỹ thuật phải được MARD hoặc đơn vị do MARD ủy quyền tập huấn.Trung Quốc đã xác định tổng cộng 16 loài gây hại kiểm dịch đáng lo ngại liên quan đến dừa tươi từ Việt Nam, cụ thể là ruồi trắng xoắn ốc (Aleurodicus dispersus), vảy xoài trắng (Aulacaspis tubercularis), bọ cánh cứng hại dừa (Brontispa longissima) , mối cao su (Coptotermes curvignathus), rệp sáp Dysmicoccus lepelleyi, rệp sáp dứa xám (Dysmicoccus neobrevipes), vảy khiên xoài (Milviscutulus mangiferae), sâu đầu đen dừa (Opisina arenosella), rệp sáp cọ (Palmicultor palmarum), rệp sáp cà phê (Planococcus lilacinus), bọ cánh cứng hại cọ đỏ (Rhynchophorus ferrugineus), vảy sao (Vinsonia stellifera), bệnh thối quả diplodia ca cao (Lasiodiplodia theobromae), bệnh trắng rễ cao su (Rigidoporus microporus), cỏ quỷ (Chromolaena odorata) và dây đắng (Mikania micrantha).
- Tất cả các vùng trồng phải lưu giữ hồ sơ giám sát và kiểm soát sinh vật gây hại, hồ sơ này sẽ được cung cấp cho GACC khi có yêu cầu. 
- MARD hoặc cán bộ được MARD ủy quyền sẽ giám sát quy trình sơ chế, đóng gói, bảo quản và vận chuyển dừa xuất khẩu sang Trung Quốc.
- Trước khi xuất khẩu, cán bộ kiểm dịch thực vật tiến hành kiểm tra kiểm dịch thực vật, lấy mẫu 2%. Trong thời gian 02 năm đầu tiên, nếu không phát hiện vi phạm về kiểm dịch thực vật thì tỷ lệ lấy mẫu sẽ giảm xuống còn 1%.
- Dừa của Việt Nam sẽ được nhập khẩu qua tất cả các cửa khẩu của Trung Quốc được GACC cho phép nhập khẩu trái cây.

Tham khảo bản gốc Nghị định thư bằng tiếng Việt tại đây.