Giá trị dinh dưỡng và lợi ích đối với sức khỏe người tiêu dùng
Trong hạt tiêu có tinh dầu: 1,2-2%, piperin: 5-9% và chanvixin: 2,2-6% (Piperin và chanvixin là hai loại ankaloit có vị cay hắc làm cho tiêu có vị cay), chất béo: 8%, tinh bột: 36% và tro: 4%.
Hồ tiêu cũng rất giàu vitamin C, thậm chí còn nhiều hơn cả cà chua. Một nửa cốc hồ tiêu xanh, vàng hay đỏ sẽ cung cấp tới hơn 230% nhu cầu calxi 1 ngày/1 người.
Hạt tiêu đen là quả của cây hồ tiêu (Piper nigrum), không chỉ là gia vị mang lại sự hấp dẫn cho món ăn mà còn có nhiều lợi ích cho sức khỏe. Hạt tiêu đen có chứa một chất hóa học là piperine, mang lại cho hạt tiêu hương vị cay nồng và là một chất chống oxy hóa mạnh. Chính hoạt chất này mang lại cho hạt tiêu đen có nhiều công dụng với sức khỏe như: Làm giảm đau, cải thiện hơi thở và giảm viêm...
+ Tác dụng trên hệ tiêu hóa: Giúp ăn ngon miệng hơn hạn chế tình trạng chán ăn, tăng cường hấp thu các chất dinh dưỡng trong thức ăn. Kích thích dạ dày thúc đầy quá trình tiêu hóa giúp hạn chế tình trạng ăn không tiêu, chướng bụng, đầy hơi, khó chịu dạ dày.
+ Tác dụng kháng khuẩn: Hạt tiêu có tác dụng kháng khuẩn cao chống tình trạng nhiễm trùng ở đường hô hấp, các vấn đề về răng lợi như sâu răng, viêm lợi...
+ Trên hệ thần kinh: Giúp cải thiện tâm trạng, giảm tình trạng căng thẳng mệt mỏi do có chất làm cho cơ thể tăng sản xuất serotonin.
+ Giúp giảm cân duy trì vóc dáng: Các chất có trong vỏ hạt tiêu giúp cơ thể loại bỏ lượng calo dư thừa, tăng bài tiết mồ hôi và nước dư thừa thông qua đường tiết niệu. Do đó, nếu sử dụng một ít vỏ ngoài của hạt tiêu trước khi bắt đầu tập luyện thể thao sẽ làm tăng hiệu quả loại bỏ mỡ dư thừa.
+ Theo y học cổ truyền thì hạt tiêu có vị cay, tình đại ôn, có tác dụng trừ hàn, kháng khuẩn, giảm đau, trừ đàm. Cho nên được sử dụng để điều trị các chứng đau bụng do lạnh, tiêu chảy, tay chân lạnh, nôn ói, ho do lạnh...
Giá trị kinh tế, văn hóa
- Hồ tiêu là cây trồng mang lại giá trị kinh tế, là một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu chính của nước ta, phát triển đúng hướng, bền vững cây hồ tiêu có ý nghĩa kinh tế lớn, góp phần vào tăng trưởng kinh tế đất nước nói chung, kinh tế của vùng, địa phương nói riêng cũng như đóng góp vào công cuộc xoá đói giảm nghèo, cải thiện đời sống cho bà con nông dân
- Hạt tiêu không chỉ là loại gia vị dùng trong chế biến thực phẩm từ lâu đời, là loại quả ăn trực tiếp (tiêu xanh), mà còn dùng để tẩm ướp, chế biến món ăn.