Tin tức

Thu hồi mã số vùng trồng: Đừng để 'cầm vàng lại để vàng rơi'?

Từ việc thu hồi một số mã số vùng trồng trong thời gian gần đây, sẽ thấy đó là bài học chung cho nông dân, doanh nghiệp và HTX trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản. Để tránh những hệ lụy tiêu cực về sau, ngoài việc bổ sung các chính sách mới, có chế tài mạnh nhằm gia tăng quản lý mã số vùng trồng thì điều nên làm trong lúc này là cần xây dựng những mã vùng trồng bền vững hơn, tuân thủ nghiêm ngặt hơn, để không phải cám cảnh “cầm vàng lại để vàng rơi”.  

Bài học rút ra

Nguyên nhân là vì một số vùng trồng chuối bị thu hồi mã số vùng trồng (một trong những yêu cầu để sản phẩm đủ điều kiện XK chính ngạch đi thị trường Trung Quốc) vì phía Trung Quốc phát hiện có sinh vật gây hại trên các lô hàng XK.

Theo ước tính, sản lượng chuối trong vùng trồng bị thu hồi mã số chiếm 49% tổng sản lượng vùng trồng được cấp mã số và chiếm 21,85% trong sản lượng chuối dự kiến thu hoạch trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, ước lượng 568.000 tấn. Điều này khiến cho nhiều nông dân trồng chuối trên địa bàn tỉnh rất lo lắng vì các vùng trồng chuối XK chuẩn bị vào vụ thu hoạch của năm 2023 với sản lượng lớn.  


Từ việc thu hồi một số mã số vùng trồng chuối ở một địa phương có diện tích trồng chuối XK đứng đầu cả nước như Đồng Nai sẽ thấy, đây là bài học chung cho nông dân, doanh nghiệp và HTX trong ngành hàng này. Theo đó, điều quan trọng mà họ nên làm để tránh những hệ lụy tiêu cực là cần xây dựng những vùng trồng bền vững hơn, đạt yêu cầu, tuân thủ nghiêm các quy định, tiêu chuẩn đặt ra trong quá trình canh tác, trồng trọt.

Còn tại tỉnh Long An, ghi nhận mới nhất cho thấy đã có 16 mã số vùng trồng bị thu hồi trên các cây trồng như chuối, thanh long, xoài. Hiện nay việc quản lý, phát triển mã số vùng trồng ở tỉnh này gặp không ít khó khăn vì các quy định thay đổi từ phía thị trường nhập khẩu nên địa phương gặp bị động khi triển khai. Bên cạnh đó là tình trạng mạo danh, cho mượn mã số vùng trồng để XK. Một số vùng trồng không có người đại diện. Điều này khiến cho việc kiểm tra, giám sát, duy trì vùng trồng gặp trở ngại. 

Cần nhắc lại, hồi tháng 9/2023, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) đã phải nhận thêm thông báo của Tổng cục Hải quan Trung Quốc về trường hợp phát hiện một số lô hàng bị nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật trên chuối, xoài, mít, sầu riêng và thanh long của Việt Nam XK sang thị trường Trung Quốc. Tính ra, từ đầu năm đến nay, phía Trung Quốc đã 6 lần gửi tới Việt Nam thông báo vi phạm về mã số vùng trồng, với 439 trường hợp vi phạm…

Có thể thấy nhiều mã vùng trồng cũng chưa áp dụng đúng các biện pháp quản lý sinh vật gây hại, đặc biệt là giám sát sinh vật gây hại theo tiêu chuẩn ISPM số 6. Không chỉ vậy, nhiều vùng trồng cũng chưa có biện pháp quản lý, giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. 

Tiềm ẩn nguy cơ giảm thị phần xuất khẩu nông sản

Chưa kể, nhiều mã số vùng trồng bị thu hồi là do nhiều địa phương chỉ chú ý đến các mã số cấp mới mà chưa quan tâm tới việc duy trì, giám sát các mã số đã cấp. Điều này dẫn đến các vùng trồng cũ không được giám sát nghiêm ngặt, không ghi chép đầy đủ nhật ký canh tác, thường xuyên thiếu nhiều thông tin hay thông tin không thống nhất trong hồ sơ hoặc thực tế kiểm tra.

Xét về việc bổ sung vùng trồng XK trên cả nước dựa trên kết quả đàm phán mở cửa thị trường XK, theo ông Lê Thanh Hòa, Giám đốc văn phòng SPS, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), tính đến tháng 6/2023 đã có 5.178 mã số vùng trồng. Trong đó, riêng với Trung Quốc đã có 2.549 mã vùng trồng, còn Hàn Quốc là 412, Mỹ là 955, Nhật Bản là 135, New Zealand là 525, Australia là 478, EU là 113, Thái Lan là 11.

Tuy nhiên, tỷ lệ giám sát mã số sau khi cấp đối với vùng trồng trên cả nước vẫn còn có những hạn chế nhất định, quá thấp so với yêu cầu thực tế, hiện mới chỉ đạt tỷ lệ 40,8%. Trong đó, riêng ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long mặc dù có số lượng mã số vùng trồng được cấp chiếm số lượng lớn nhất cả nước (chiếm 57%) nhưng tỷ lệ giám sát vẫn còn thấp so với quy định cần phải giám sát hằng năm. Đơn cử như Long An có 288 mã số vùng trồng nhưng tỷ lệ giám sát chỉ đạt 0,3%.

Xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc đang có tốc độ tăng trưởng tốt (Ảnh Thanh Thủy- Báo vneconomy)

Trong khi đó, thống kê cho thấy đến nay đã có hơn 700 mã số vùng trồng đã bị thu hồi. Tình trạng này làm tiềm ẩn nguy cơ giảm thị phần XK nông sản. Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), mã số vùng trồng trên cả nước bị thu hồi tập trung chủ yếu tại các tỉnh Tiền Giang, Tây Ninh, Lâm Đồng, Bình Thuận. Trong đó, phần lớn là nông sản XK đi thị trường Trung Quốc. Nguyên nhân chủ yếu là vì các mã vùng trồng này không đạt yêu cầu về chất lượng kỹ thuật của nước nhập khẩu. 

Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, cho biết việc cấp hay quản lý mã số vùng trồng, và việc thu hồi hay tạm dừng chủ yếu thực hiện theo quy định của nước nhập khẩu, dựa trên những thỏa thuận giữa hai bên. Cho nên, để việc này được thực hiện tốt hơn trong thời gian tới thì Cục Bảo vệ thực vật đang phối hợp với Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) trình Chính phủ xây dựng một nghị định về quản lý mã số vùng trồng, quản lý cơ sở đóng gói. 

Bên cạnh đó, theo bà Hương, có thể sửa hoặc bổ sung trong một nghị định về chế tài xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này. Để từ đó có thể nâng cao tính răn đe, cũng như cảnh báo đối với mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói.

Nói chung, để thiết lập được mã số vùng trồng (được xem như tấm “hộ chiếu” cho XK nông sản) vốn đã rất khó khăn, nhưng nếu buông lỏng quản lý, không kiểm soát hiệu quả các đối tượng kiểm dịch thực vật thì sẽ dẫn đến tình trạng các lô hàng nông sản XK không đáp ứng được quy định của thị trường nhập khẩu, gây ra không ít hệ lụy khác. Bởi lẽ, không chỉ có những mã số vùng trồng bị tạm dừng mà còn bị thu hồi, công sức của nông dân, doanh nghiệp, HTX bỏ ra sẽ trôi theo dòng nước, không khác gì tình cảnh “cầm vàng lại để vàng rơi”.

Thế Vinh