Chiều 9/9, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) phối hợp với Đại sứ quán Australia tại Việt Nam tổ chức lễ công bố xuất khẩu chanh leo sang Australia và mận Australia sang Việt Nam.
Ông Tony Harman- Tham tán nông nghiệp Úc tại Việt Nam và Ông Huỳnh Tấn Đạt- Cục trưởng Cục BVTV trao đổi văn bản ký kết tại buổ Lễ công bố
Thổ nhưỡng đã giúp chanh leo trồng tại Việt Nam có chất lượng hàng đầu thế giới và khi xuất khẩu các thị trường ẩm thực khắt khe như Thụy Sỹ, Pháp, Hà Lan… đều được yêu thích. Chanh leo của Việt Nam cũng chính thức được xuất khẩu sang Australia.
Chanh leo được thu hoạch từ các vùng trồng ở Việt Nam có thể được phép nhập khẩu vào thị trường Australia nhưng phải tuân thủ các yêu cầu về an ninh sinh học. Nhằm giảm thiểu các loài dịch hại (như ruồi đục quả, rệp, nhện, bọ trĩ…) đối với chanh leo khi xuất khẩu cần triển khai một số biện pháp quản lý nguy cơ để vùng trồng, vùng sản xuất, cơ sở sản xuất không nhiễm dịch hại. Trong đó, việc áp dụng biện pháp xử lý chiếu xạ được xem là hiệu quả trong kiểm soát dịch hại.
Ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết Việt Nam có tiềm năng và lợi thế về trái cây nhiệt đới. Hiện trái cây Việt Nam xuất khẩu đi hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. Riêng chanh leo là 20 quốc gia, dưới nhiều dạng như quả tươi, đông lạnh, nước ép.
Diện tích trồng chanh leo ngày càng có xu hướng tăng, với diện tích hơn 12.000 ha, tập trung chủ yếu ở miền núi phía Bắc. Hiện chanh leo cũng được nhiều tỉnh Tây Nguyên quan tâm, mở rộng diện tích. Những năm gần đây, Việt Nam tập trung nâng cao chất lượng, sản xuất theo chuỗi, đảm bảo truy xuất nguồn gốc chanh leo, trong đó tập trung vào 2 giống chanh leo vàng và chanh leo tím.
Để mở đường cho việc xuất khẩu chính ngạch chanh leo sang Australia, từ nhiều năm trước, Cục Bảo vệ thực vật đã bắt đầu thực hiện hồ sơ kỹ thuật. Sau nỗ lực đàm phán, mở cửa thị trường và sự phối hợp chặt chẽ của hai bên, chanh leo trở thành loại trái cây thứ 5 được xuất chính ngạch sang Australia sau xoài, nhãn, vải thiều, thanh long.
Hiện chanh leo Việt cũng đã xuất khẩu tới các thị trường có yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng, kiểm dịch, an toàn thực phẩm. (Ảnh: Vietnam+)
Thời gian tới, Cục Bảo vệ thực vật cam kết hướng dẫn người dân và địa phương sản xuất theo đúng yêu cầu của quốc gia nhập khẩu, phát huy hơn nữa lợi thế của sản phẩm chanh leo.
Tại buổi lễ công bố, ông Andrew Goledzinowski, Đại sứ Australia tại Việt Nam cho biết quan hệ thương mại nông sản, trong đó có trái cây giữa hai bên liên tục phát triển thời gian qua. Nhiều loại quả chất lượng của nước này đã xuất hiện ở thị trường nước kia.
Bên cạnh việc cùng công bố nhập khẩu chanh leo và mận, Đại sứ Australia tại Việt Nam cho biết thêm quốc gia này đang hỗ trợ Việt Nam thực hiện 200.000 ha lúa chất lượng, giảm phát thải trong đề án 1 triệu ha lúa được Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang thực hiện.
Ngoài công tác xúc tiến, mở cửa thị trường với chanh leo và mận, thời gian tới hai nước sẽ tiếp tục hoàn thiện các công đoạn cuối để bưởi Việt Nam, việt quất của Australia sẽ có mặt tại thị trường đối tác.
Hợp tác thương mại nông sản giữa Việt Nam và Australia tăng gần gấp đôi trong năm 2 năm qua với kim ngạch đạt khoảng 65 tỷ AUD. Hiện nay, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ hai của Australia sau Trung Quốc về xuất khẩu nông sản. Việt Nam cũng đối tác lớn với nhiều nông sản đông lạnh, chế biến xuất khẩu vào Australia. Việc mở cửa thị trường nông sản đang có những tín hiệu tốt nhờ sự trao đổi, làm việc hiệu quả giữa cán bộ kỹ thuật của hai bên./.
Hiện chanh leo Việt cũng đã xuất khẩu tới các thị trường có yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng, kiểm dịch, an toàn thực phẩm như: Australia, Pháp, Đức, Hà Lan, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Thụy Sỹ, Australia...
Với lợi thế về xuất khẩu và tiềm năng thị trường, cây chanh leo đang mang đến cho người trồng nguồn thu nhập khá. Chanh leo là một trong những loại cây ăn quả có giá trị xuất khẩu cao nhất của Việt Nam. Trong vòng 5 năm qua, sản lượng và giá trị xuất khẩu chanh leo nước ta đã tăng hơn 300%.
Hồng Kiều (Báo Vietnamnetplus)