Thời gian qua, nhiều người dân từ tỉnh Bình Định lên huyện biên giới Chư Prông (Gia Lai) thuê đất trồng dưa hấu. Giai đoạn 3 tháng cuối năm 2023, thời tiết tại huyện Chư Prông thích hợp cho việc trồng dưa hấu.
Từ tháng 9, hàng trăm người dân Bình Định khăn gói lên các xã Ia Ga, Ia Lâu, Ia Mơ, Ia Púch, Ia Piơr (huyện Chư Prông) thuê đất trồng dưa. Họ dựng lán giữa đồng, hàng ngày cày đất, bón phân trước khi xuống giống. Năm nay, thời tiết thuận lợi, dưa được mùa, được giá, người dân rất phấn khởi. Thương lái các nơi cũng tấp nập đến ruộng dưa “chốt đơn”.
Chị Lê Thị Hồng Xoan có ruộng dưa 1,7ha ở xã Ia Lâu cho biết, thương lái mua với giá từ 11-14 triệu đồng/sào dưa (500m2), tổng số tiền chị thu được là 450 triệu đồng, trừ chi phí, lãi 200 triệu đồng. “Để có được lợi nhuận trên, 3 tháng qua, tôi ăn ở giữa đồng, mướn 10 người làm công. Năm nay mưa thuận gió hòa, dưa ít bệnh, giá lại cao nên gia đình thu lời nhiều.
Đây là năm thứ 2 gia đình lên huyện Chư Prông thuê đất trồng dưa, và đây cũng là vụ dưa cho lợi nhuận cao nhất. Hiện gia đình đã đặt cọc thuê 2ha đất xã Ia Lâu để năm sau lên trồng tiếp. Bây giờ, tôi về mua sắm, sửa soạn nhà cửa đón tết”, chị Xoan nói.
Cách rẫy dưa của chị Xoan khoảng 400m, ruộng dưa 2,5ha của vợ chồng ông Nguyễn Cảnh Bốn cũng vừa bán xong cho thương lái. Ruộng dưa thu được 100 tấn, sau khi trừ chi phí thuê đất, phân bón, nhân công, ông Bốn “đút túi” 350 triệu đồng tiền lãi. “Vụ dưa tết trúng thời điểm dưa có giá cao, ít hàng nên thương lái tranh nhau đến tận vườn chốt đơn, gia đình không cần chở đi bán”, ông Bốn nói.
Ông Lê Thành Công, Chủ tịch UBND xã Ia Lâu, cho biết, có 100ha đất trên địa bàn được người dân Bình Định thuê trồng dưa vụ tết. Người Bình Định rất giỏi trồng dưa. Quá trình trồng, họ đã chuyển giao kỹ thuật cho người dân tại chỗ để cùng hưởng lợi. Nhờ đó, người đồng bào đã có thể tự mình trồng dưa, thu lợi lớn trên chính mảnh đất của mình.
HỮU PHÚC (Báo Sài Gòn giải phóng)