Tin tức

Hội nghị tập huấn: “Hướng dẫn thiết lập vùng trồng bưởi sản xuất đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường Châu Âu”

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đã mở ra cơ hội để tăng cường thương mại giữa EU và Việt Nam. Hiện nay, EU đã trở thành một trong những thị trường hấp dẫn nhất cho nông sản của Việt Nam, trong đó có mặt hàng quả bưởi, đặc biệt là bưởi da xanh trồng tại các tỉnh miền Tây Nam bộ như Hậu Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng và Trà Vinh. Tuy nhiên, EU nằm trong nhóm thị trường có tiêu chuẩn quản lý thực phẩm nhập khẩu cao nhất thế giới với các quy tắc rất chi tiết và chặt chẽ để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, sức khỏe động thực vật và môi trường. 

Bên cạnh các yêu cầu bắt buộc về sản phẩm như kích thước, bao bì, nhãn mác, các yêu cầu đặc biệt của người mua, các chứng nhận đảm bảo (Global GAP, BRC, IFS..)…bưởi tươi nhập khẩu vào thị trường EU cần phải tuân thủ các tiêu chuẩn liên quan đến cả an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật. Như vậy, yêu cầu đặt ra là chúng ta cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các doanh nghiệp và nông dân để cùng nhau xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn, đáp ứng yêu cầu thị trường EU.

EU quy định rất rõ ràng về an toàn vệ sinh và kiểm dịch thực vật được, có thể tham khảo dễ dàng tại một số điều luật và văn bản hướng dẫn, như: Quy định (EC) 396/2005 đã đặt ra mức giới hạn về dư lượng thuốc trừ sâu cho phép trong sản phẩm; Quy định (EC) 1881/2006 và (EC) 2021/1317 về thiết lập mức tối đa đối với một số chất gây ô nhiễm trên thực phẩm, trong đó có một số chất gây ô nhiễm quan trọng trên thực phẩm có nguồn gốc thực vật được kiểm soát chặt chẽ tại EU gồm: mycotoxin, kim loại nặng… ; Quy định EC/2073/2005 đề cập đến sự có mặt của các vi sinh vật có nguy cơ đối với sức khoẻ con người; Quy định EU 2016/2031 ban hành nhằm hạn chế việc xuất hiện và lây lan của một số loại sinh vật gây nguy hại cho cây trồng cũng như các sản phẩm từ cây trồng ở EU, quy định (EU) 2019/2072 đưa ra danh mục các đối tượng kiểm dịch thực vật của EU…. 

Được sự tài trợ của EU, trong khuôn khổ dự án “Cơ chế hệ thống cho thương mại an toàn hơn ở Việt Nam và Lào” (viết tắt là SYMST), Cục Bảo vệ thực vật hiện đang phối hợp với Trung tâm thương mại quốc tế (ITC) thực hiện với mục đích nhằm nâng cao năng lực quốc gia trong việc giải quyết các vấn đề an toàn thực phẩm và sức khỏe thực vật trong sản xuất và xuất khẩu nông sản có nguồn gốc thực vật. 

Một trong những mục tiêu ưu tiên của dự án SYMST tại Việt Nam là tập trung vào phổ biến thông tin và nâng cao nhận thức về các vấn đề liên quan đến sức khỏe thực vật và thuốc bảo vệ thực vật khi xuất khẩu từ Việt Nam sang EU. Trong đó, quản lý tốt vùng trồng và các cơ sở đóng gói bưởi xuất khẩu sẽ giúp cho việc đảm bảo chất lượng, giám sát chặt chẽ sinh vật gây hại, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên quả bưởi và truy xuất được nguồn gốc. Nếu chúng ta cùng nhau làm tốt các công việc này sẽ hạn chế được các trường hợp vi phạm của bưởi nhập khẩu sang EU và thúc đẩy xuất khẩu nhiều hơn bưởi tươi từ Việt Nam. 

Với mong muốn hỗ trợ người sản xuất bưởi tại các tỉnh Hậu Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng và Trà Vinh xuất khẩu được nhiều sản phẩm quả bưởi tươi trong thời gian tới, từ ngày 15/3 đến ngày 17/3/2023, Cục BVTV và ITC đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT Vĩnh Long tổ chức hội nghị tập huấn để hướng dẫn thiết lập, quản lý mã số vùng trồng bưởi xuất khẩu đi EU. Tham gia tập huấn có 50 học viên là cán bộ kỹ thuật của các Chi cục Trồng trọt và BVTV, đại diện vùng trồng và cơ sở đóng gói bưởi của Hậu Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng và Trà Vinh.

Một số hình ảnh tập huấn