Tin tức nổi bật

Những nông sản chủ lực cho mục tiêu 55 tỉ USD

Gạo, sầu riêng sẽ duy trì giá cao, lượng lớn

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) cho biết, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2023 đạt 53 tỉ USD, thấp hơn năm 2022 khoảng 200 triệu USD. Tuy nhiên, lại là năm đạt giá trị xuất siêu kỷ lục với trên 12 tỉ USD, tăng 43,7% so với năm 2022 và chiếm đến 42,5% so với xuất siêu cả nước. Có đến 6 mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu trên 3 tỉ USD là: rau quả, gạo, hạt điều, cà phê, tôm, gỗ và sản phẩm gỗ.

"Trong bối cảnh nền kinh tế trong nước và thế giới có nhiều biến động khó lường, ngành nông nghiệp tiếp tục khẳng định vị thế quan trọng và là trụ đỡ của nền kinh tế", Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định vai trò của ngành nông nghiệp.

Trong bức tranh với nhiều gam màu sáng của ngành nông nghiệp thì sầu riêng là yếu tố tích cực nhất. Theo Thứ trưởng Tiến, khi VN và Trung Quốc ký nghị định thư xuất nhập khẩu sầu riêng chính ngạch thì dự báo giá trị của trái cây này chỉ đạt hơn 1 tỉ USD nhưng khi kết thúc năm 2023 đã vượt hơn 2 tỉ USD. Trong năm 2024, nếu Trung Quốc đồng ý nhập khẩu chính ngạch sầu riêng đông lạnh thì giá trị xuất khẩu của trái sầu riêng sẽ còn tăng rất mạnh. Hiện tại, các cơ quan chức năng phía VN và Trung Quốc đã hoàn tất việc đàm phán kỹ thuật để đi đến ký kết nghị định thư xuất khẩu sầu riêng đông lạnh và dừa tươi sang Trung Quốc, sau đó sẽ đi đến thống nhất và ký nghị định thư.

Lãnh đạo các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng cùng quan điểm rằng năm 2024 xuất khẩu nông sản của VN tiếp tục thuận lợi và vững vàng trên đường hướng tới mục tiêu 55 tỉ USD.

"Nhờ nhu cầu thị trường cao, VN có lợi thế nên các mặt hàng nông sản của VN sẽ tiếp tục xuất khẩu thuận lợi cả về lượng và giá trong năm 2024", ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Intimex, nhận định. Ông Nam cũng là Phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực VN (VFA) và được nhiều người biết đến là một trong những nhà xuất khẩu nông sản hàng đầu VN chuyên các mặt hàng như gạo, cà phê, hồ tiêu…

Cũng trong năm 2023, xuất khẩu gạo đạt kim ngạch chưa từng có - đến gần 4,8 tỉ USD, tăng 38,4% tương đương 1,3 tỉ USD so với năm 2022. Nhận định về cơ hội thị trường trong năm 2024, ông Đỗ Hà Nam đánh giá: "Năm 2023, giá gạo 5% tấm VN có những thời điểm đạt mức quá cao, cao nhất trong 15 năm xuất khẩu. Năm 2024, chúng ta không hy vọng giá sẽ đạt cao đến như vậy, vì gạo là mặt hàng lương thực thiết yếu dành cho số đông và người tiêu thụ bình dân. Nhưng với tình hình thời tiết và chính trị hiện nay, giá gạo 5% tấm xuất khẩu vẫn duy trì mức trên 600 USD/tấn, tương đương giá lúa duy trì mức trên 8.000 đồng/kg. Đây cũng là mức giá người nông dân trồng lúa rất hài lòng".



Theo ông Nam, gạo VN nhiều năm qua đã khẳng định được thương hiệu và chất lượng ở nhiều thị trường khu vực và thế giới như: EU, Philippines, Trung Quốc, châu Phi… sẽ tiếp tục được tiêu thụ tốt ở các thị trường này. Riêng với thị trường Trung Quốc, đây là nước có sự chuẩn bị rất tốt cho vấn đề an ninh lương thực và thời gian qua không bị ảnh hưởng bởi giá gạo thế giới. Tuy nhiên, cũng chính vì vậy mà nhu cầu bổ sung nguồn gạo dự trữ cũng là một vấn đề mà nước này luôn phải cân nhắc.

Thế giới phụ thuộc cà phê VN
Năm 2023, xuất khẩu cà phê đạt gần 4,2 tỉ USD, tăng 3,1% so với năm 2022. Đây là một cột mốc chưa từng có trong lịch sử xuất khẩu hơn 30 năm qua, nguyên nhân nhờ giá cà phê tăng cao.

Nhận định về thị trường cà phê VN trong năm 2024, ông Thái Như Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp đồng thời là Phó chủ tịch Hiệp hội Cà phê ca cao VN, cho biết: Đã qua rồi cái thời giá cà phê nội địa 30.000 - 40.000 đồng/kg. Xu hướng giá cà phê VN trong năm 2024 và các năm sau này sẽ tiếp tục duy trì mức 60.000 - 70.000 đồng/kg. Một trong những bằng chứng cho việc này là hiện đang vào cao điểm vụ thu hoạch cà phê của VN. Thông thường các năm trước, mùa này giá cà phê giảm mạnh vì nguồn cung dồi dào nhưng năm nay vẫn ở mức cao kỷ lục. Nguyên nhân sâu xa là chất lượng cà phê robusta của VN nhiều năm qua luôn được cải thiện và hiện tốt nhất thế giới. Thứ hai là nhu cầu tiêu thụ mặt hàng này tăng cao cả ở nội địa VN và các nước trên thế giới. Thứ ba là nguồn cung robusta đang hạn chế, như năm 2023 giảm khoảng 20%.


Sản lượng cà phê giảm do những năm gần đây, giá cà phê thấp, nhiều nông dân chuyển dần sang các đối tượng cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn đặc biệt là sầu riêng. Trong khi đó, VN không còn khả năng mở rộng diện tích cà phê nhất là hiện tại EU đưa ra các quy định liên quan đến chống phá rừng. Chính vì vậy, sản lượng cà phê tiếp tục ở trạng thái thiếu hụt. Đó là chưa kể yếu tố thời tiết khô hạn cực đoan do hiện tượng El Nino đang diễn ra.

"Cục diện cà phê đã đảo ngược và thế giới đang phục thuộc vào nguồn cung cà phê từ VN. Dù sản lượng giảm, nhưng giá tăng mạnh và gấp đôi những năm trước nên chúng ta không lo kim ngạch xuất khẩu giảm mà cần tập trung vào chất lượng, xây dựng thương hiệu để nâng cao giá trị. Tôi tin rằng kim ngạch xuất khẩu cà phê năm 2024 sẽ đạt mức khả quan từ mức năm 2023 trở lên", ông Thái Như Hiệp nhận định.

Có quan điểm tương tự, ông Đỗ Hà Nam nhấn mạnh: "Chưa bao giờ ngay từ đầu vụ mà giá cà phê cao như hiện tại. Điều này phản ánh nhu cầu của thị trường đang rất lớn trong khi nguồn cung thiếu hụt. Nếu xét về vụ mùa ở các nước xuất khẩu khác thì VN vẫn sẽ một mình một chợ cho đến cuối tháng 4 đầu tháng 5.2024, các nước Indonesia và Brazil mới vào vụ thu hoạch. Vì vậy, có thể nói niên vụ cà phê 2023/24 của VN là tốt nhất lịch sử".

 

Liên quan diện tích trồng cà phê, ông Nam lý giải: Trước đây giá cà phê thấp nên bà con nhà vườn chuyển đổi sang cây trồng có giá trị cao hơn, nay giá cà phê rất tốt thì việc chuyển đổi này sẽ không diễn ra ồ ạt như vậy nữa. Chưa kể sầu riêng cần thời gian đầu tư 4 - 5 năm mới thu hoạch và đối mặt nhiều rủi ro thị trường… Trong khi cà phê, như tỉnh Lâm Đồng, vùng trồng lớn nhất VN với sản lượng khoảng 500.000 tấn/năm, chất lượng cao và thu lợi lớn nên chắc chắn họ sẽ không mạo hiểm.

"Điều quan trọng là các doanh nghiệp xuất khẩu cần bình tĩnh trước các cơ hội, nhận định và phân tích thị trường một cách thấu đáo. Cụ thể như hồ tiêu, sản lượng của VN chiếm 50% thị phần thế giới; chỉ cần các doanh nghiệp không bán đổ bán tháo thì chúng ta không lo mất giá", ông Nam khuyến cáo.

Nhiều khả năng năm 2024 Trung Quốc sẽ tăng nhập khẩu mặt hàng nếp từ VN. Đây là một mặt hàng mà Trung Quốc có nhu cầu lớn. Một số năm gần đây có thời điểm nước này nhập khẩu nếp từ VN đến 1 triệu tấn.

Ông Đỗ Hà Nam (Phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực VN 

ĐÀO NGỌC THẠCH (Báo Thanh Niên)