Lục Ngạn là một huyện thuộc tỉnh Bắc Giang nổi tiếng cả nước với đặc sản vải thiều mà không vùng đất nào có được. Vải thiều Lục Ngạn khi chín có màu đỏ tươi, hạt nhỏ, cùi dày, ngọt sắc và giàu chất dinh dưỡng. Quả vải nơi đây to hơn và có hương vị đặc trưng khác hẳn vải thiều ở những vùng đất khác. Quả vải Lục Ngạn không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn có mặt ở nhiều quốc gia trên thế giới như: Trung Quốc, Thái Lan, Mỹ, Australia và nhiều quốc gia khác.
Theo ghi nhận, những ngày này ở quốc lộ 31 đoạn qua thị trấn Chũ, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang thường xuyên ùn tắc do hàng nghìn người chở vải đến điểm tiêu thụ. Ngay từ sáng sớm, những người nông dân đã hồ hởi, nhộn nhịp chở vải từ nhà vườn ra hàng trăm điểm thu mua để cân bán.
Mùa thu hoạch vải ở Lục Ngạn bắt đầu từ cuối tháng 5 và kéo sang tháng 7. Tại mỗi điểm thu mua, người bán được phát phiếu kèm theo giá bán. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang, diện tích vải thiều năm 2023 của toàn tỉnh là 29.700 ha, tăng so với năm trước 1.600 ha; nhận định năm nay thời tiết tốt sẽ được mùa vải, sản lượng ước đạt từ 180.000 - 200.000 tấn.
Vải thiều vừa thu hoạch
Trong đó, vải thiều chín sớm là 7.700 ha, dự kiến 60.000 tấn; vải chính vụ 22.000 ha, sản lượng dự kiến trên 120.000 tấn. Việc sản xuất vải theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP được duy trì và mở rộng, với tổng diện tích là 15.682 ha, sản lượng ước đạt trên 100.000 tấn. Huyện Lục Ngạn vẫn là “thủ phủ” vải thiều của tỉnh Bắc Giang và cả nước với diện tích năm nay khoảng 17.357 ha; sản lượng 98.000 tấn, trong đó vải sớm 25.000 tấn, vải chính vụ 73.000 tấn.
Để bảo đảm hoạt động sản xuất, chế biến vải thiều chất lượng đạt tiêu chuẩn của nhiều phân khúc thị trường. Huyện đã quản lý chặt chẽ 84 mã số vùng trồng gồm: Trung Quốc 35 mã, thị trường Mỹ, Úc, EU 15 mã, Nhật Bản 32 mã, Thái Lan 2 mã trên địa bàn các xã, thị trấn. Đồng thời tuyên truyền cho người dân thực hiện nghiêm các yêu cầu, tiêu chuẩn về quy cách thu hoạch, sơ chế, đóng gói sản phẩm trước khi bán như: xử lý sạch lá, cắt cuống ngắn, loại bỏ quả không đạt chất lượng, bó túm đúng trọng lượng…
Tuy nhiên hiện nay đã xuất hiện một số trường hợp trộn vải vùng khác với vải Lục Ngạn và sử dụng mã số vùng trồng của Lục Ngạn để bán hàng.
Bên cạnh đó, cũng xuất hiện tình trạng, một số địa phương sử dụng mã số vùng trồng cũng như mã số đóng gói không đúng quy định, không phải của Lục Ngạn để xuất khẩu hoặc mang tiêu thụ tại thị trường khác.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Thế Thi, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, Bắc Giang cho biết huyện đã thành lập các tổ công tác thường xuyên kiểm tra, rà soát, cảnh báo đến các hộ dân, tiểu thương, thậm chí đề nghị thu hồi mã số. Đồng thời, tuyên truyền cho bà con hiểu, cam kết giữ thương hiệu, uy tín của vải Lục Ngạn vì nếu không giữ được mã số, thương hiệu thì thiệt hại rất lớn. Ông cũng cho hay với những hành vi này cần phải xử lý hình sự và cần có quy định nghiêm ngặt hơn như thu hồi, cắt các mã số vùng trồng.
Trong khi đó, trung tá Trịnh Quang Hưng - đồn trưởng Đồn biên phòng Tân Thanh, Lạng Sơn - cho biết, vải thiều xuất khẩu sang Trung Quốc nhiều năm song vẫn xảy ra trường hợp có xe hàng bị trả lại.
"Cơ quan chức năng Trung Quốc kiểm tra rất kỹ từ lạt buộc, thùng xốp cho tới từng quả vải, đảm bảo không có sâu. Nếu phía Trung Quốc kiểm tra xác suất, phát hiện chất lượng không đều thì sẽ mất niềm tin, trả lại hàng. Vì vậy, quy trình đóng gói vải thiều xuất khẩu phải đạt tiêu chuẩn và thực hiện ngay tại tỉnh Bắc Giang", trung tá Trịnh Quang Hưng chia sẻ.
Hương Mi