Kiến thức & kinh nghiệm

Hiệu quả bước đầu trong phòng trừ sâu đầu đen gây hại trên cây dừa

Huyện Tiểu Cần hiện có hơn 5.500ha dừa, sản lượng hơn 54 triệu trái/năm. Đây được xem là một trong những loại cây trồng chủ lực, góp phần rất lớn vào tổng giá trị kinh tế hàng năm của địa phương. Do đó, ngành nông nghiệp huyện đã không ngừng triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giúp nhà vườn phòng trừ các loại dịch hại trên cây dừa. Trong đó có đối tượng sâu đầu đen đã và đang gây hại trên cây dừa. Với giải pháp thả ong mắt đỏ làm thiên địch để diệt sâu đầu đen gây hại dừa bước đầu đem lại hiệu quả.

Thời gian qua giá dừa liên tục giảm chỉ còn 30.000 - 35.000 đồng/chục (12 trái). Tuy nhiên dừa là loại cây trồng có nhiều giá trị kinh tế nên về lâu dài cây dừa vẫn được coi là cây trồng mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều nhà vườn. Do đó không vì giá dừa giảm sâu mà người trồng dừa chủ quan, lơ là trong việc chăm sóc và phòng ngừa dịch hại trên cây dừa, đặc biệt là dịch bệnh sâu đầu đen gây hại dừa như hiện nay.
Từ khi phát hiện sâu đầu đen gây hại, ngành nông nghiệp huyện Tiểu Cần cùng các ngành chuyên môn nhanh chóng triển khai công tác điều tra, phát hiện và dự báo tình hình gây hại cũng như công tác phòng trừ sâu đầu đen. Diện tích dừa bị hại ban đầu khoảng 7,2ha của 13 hộ trên địa bàn xã Tân Hòa, trong đó mức độ thiệt hại từ 60 - 70% là 2,7 ha. Đến nay đã có hơn 44ha của 95 hộ trồng dừa trên địa bàn 4 xã, thị trấn bị sâu đầu đen gây hại trong đó có 07ha tỷ lệ gây hại 40%, diện tích còn lại tỷ lệ gây hại không đáng kể.

Để phòng trị sâu đầu đen, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Tiểu Cần, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật kết hợp với Công ty Betrimex và UBND các xã, thị trấn (nơi xuất hiện sâu đầu đen) áp dụng đồng bộ các biện pháp như phun thuốc trừ sâu có nguồn gốc sinh học Emamectin 60EC, phun chế phẩm sinh học Dầu BSF kết hợp việc thả ong mắt đỏ đã cơ bản kiểm soát, khống chế được sự phát triển và gây hại của sâu đầu đen.

Mới đây Phòng NN-PTNT huyện, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tiếp tục phối hợp với Công ty Betrimex cung cấp và hỗ trợ nông dân thả ong ký sinh (ong mắt đỏ) trên  vườn dừa của các hộ dân ở 04 xã, thị trấn gồm: xã Tân Hòa, Hùng Hòa, Long Thới và Thị trấn Cầu Quan. Nâng tổng số từ đầu năm 2022 đến nay đã thực hiện 3 đợt thả với 17.821 túi tương đương 9,3 triệu trứng. Riêng xã Tân Hòa là xã được triển khai thực hiện mô hình thí điểm của huyện được hỗ trợ 6 đợt thả với số lượng 10.321 túi tương đương 5,6 triệu trứng.

Qua theo dõi đánh giá của ngành chuyên môn cho biết tại các vườn dừa bị hại có thả ong ký sinh, tỷ lệ ong nở đạt trên 80%. Hiện tại diện tích dừa bị sâu đầu đen gây hại trên địa bàn huyện có tăng, nhưng mật số sâu không đáng kể, không gây ảnh hưởng nhiều đến năng suất.

Ông Thạch Danh ngụ ấp Cao Một, xã Tân Hòa cho biết: tôi có 07 công vườn dừa bị sâu đầu đen gây hại vào năm 2021. Được sự quan tâm của chính quyền địa phương giúp đỡ hỗ trợ thả ong, xịt thuốc. Tôi thấy dừa phát triển lại, ra đọt non và không thấy dấu hiệu bị sâu cắn nữa. Số dừa bị hại nhẹ đã cho trái tuy sản lượng trái không được nhiều như trước nhưng nhờ địa phương hỗ trợ thả ong ký sinh vườn dừa của tôi nay đã phục hồi, phát triển tốt.

Đồng chí Lâm Quang Đúng, Trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Tiểu Cần cho biết: sâu đầu đen xuất hiện đầu tiên ở ấp Cao Một, xã Tân Hòa vào tháng 9/2021 khoảng 2,7ha của 04 hộ và diện tích xung quanh 4,5ha của 09 hộ. Qua phát hiện bệnh sâu đầu đen Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật kết hợp UBND xã Tân Hòa vận động nông dân phun thuốc bảo vệ thực vật 03 - 04 lần. Sâu đầu đen gây hại trên vườn dừa lớn, cao, việc phun thuốc rất khó khăn. Sau khi được Công ty Betrimex hỗ trợ phòng trừ theo biện pháp sinh học là thả ong ký sinh kết hợp với phun dầu. Đến nay, qua theo dõi đánh giá các vườn dừa hầu như đã phục hồi trở lại, cây đâm đọt xanh, mức độ gây hại giảm, mật số sâu giảm nhiều.

Đồng chí Võ Quang Cường, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tiểu Cần cho biết thêm: để tiêu diệt sâu đầu đen hại dừa trên địa bàn huyện Tiểu Cần hiện nay thì việc phun thuốc bảo vệ thực vật là giải pháp dập dịch tạm thời, cấp thiết trên diện tích có tỷ lệ gây hại nặng. Hiện nay trên địa bàn huyện có trên 1.500ha dừa hữu cơ, để kiểm soát bền vững dịch hại sâu đầu đen với phương châm bảo vệ môi trường, đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm sản xuất dừa theo hướng hữu cơ.

Trong thời gian tới cần tiếp tục duy trì các giải pháp sinh học phun dầu BSF kết hợp vi khuẩn BT và thả ong mắt đỏ. Với hiệu quả bước đầu nếu ong mắt đỏ tiếp tục được thả, số lượng được nhân lên thì sẽ kiểm soát và khống chế được mức độ gây hại và kéo giảm tốc độ lây lan của sâu đầu đen. Hiện tại cán bộ kỸ thuật của Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Bến Tre (Betrimex) tổ chức theo dõi, để đánh giá hiệu quả.

Qua thực tiễn cho thấy, thả ong ký sinh là phương pháp hữu hiệu để kiểm soát sâu đầu đen được nhiều nơi áp dụng thành công mang tính bền vững, vừa bảo vệ môi trường vừa đem lại hiệu quả lâu dài.

Bài, ảnh: MỸ HẠNH