Chương trình Sẵn sàng xuất khẩu (Ready to Export)

Trong những năm qua, xuất khẩu nông sản đặc biệt là nông sản có nguồn gốc thực vật đã có nhiều tăng trưởng vượt bậc, giá trị xuất khẩu nông sản tăng từ 25 tỷ USD năm 2011 lên tới 48,6 tỷ USD năm 2021. Trong số đó, 5/6 mặt hàng xuất khẩu chủ lực có giá trị xuất khẩu trên 3 tỷ USD vật là các sản phẩm có nguồn gốc thực vật bao gồm gỗ và sản phẩm gỗ, hạt điều, cao su, rau quả, gạo.

Đến nay, nông sản có nguồn gốc thực vật đã được xuất khẩu đi gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó nhiều sản phẩm chủ lực của Việt Nam đã đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD/năm như cà phê, hồ tiêu, sắn...., nhiều sản phẩm khác đang tăng nhanh tỷ trọng xuất khẩu trong những năm gần đây. Thêm vào đó, công tác đàm phán thảo gỡ rào cản kỹ thuật để mở cửa thị trường đã được tích cực đẩy mạnh trong nhiều năm gần đây đã mở ra nhiều thị trường mới, tiềm năng và có giá trị cho nông sản Việt Nam đặc biệt là đối với sản phẩm rau quả tươi. Những mặt hàng quả tươi chủ lực của Việt Nam như thanh long, xoài, chôm chôm, vú sữa, nhãn đã được hầu hết các thị trường khó tính và có giá trị cao nhất như Hoa Kỳ, EU, Canada, Úc, Nhật Bản, New Zeland, Hàn Quốc… cho phép nhập khẩu.

Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát, cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói theo quy định của nhiều nước nhập khẩu phục vụ truy xuất nguồn gốc cũng đã được triển khai đồng bộ, mạnh mẽ. Đến nay đã cấp hơn 4.000 mã số vùng trồng và gần 2.000 mã số cơ sở đóng gói cho nông sản đi khắp các thị trường. Ngoài các mặt hàng truyền thống yêu cầu cấp mã số như trái cây tươi, các địa phương cũng đã vào cuộc mạnh mẽ, mở rộng ra các sản phẩm chủ lực có tiềm năng xuất khẩu lớn như lúa gạo, chè… Chuẩn hóa các vùng trồng đủ điều kiện cấp mã số đã góp phần không nhỏ vào việc đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyên nghiệp hóa, gắn với yêu cầu của thị trường đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật của các nước nhập khẩu. Nhờ thế, uy tín của hàng nông sản Việt Nam được tăng lên đáng kể trên thị trường quốc tế.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết một cách căn cơ để hướng tới một nền kinh tế nông nghiệp bền vững, có thương hiệu rõ ràng trên bản đồ thương mại nông sản quốc tế.

Thứ nhất là nhóm các khó khăn từ thị trường quốc tế. Xu hướng gia tăng bảo hộ sản xuất nông nghiệp đã được áp dụng ở nhiều quốc gia trong những năm gần đây, dẫn đến các nước nâng cao rào cản kỹ thuật, các quy định về KDTV nhập khẩu và ATTP ngày càng trở nên khắt khe. Thêm vào đó, các “đối thủ” cạnh tranh của Việt Nam như Thái Lan, một số quốc gia Nam Mỹ… cũng đang tích cực thay đổi, cải tiến hệ thống sản xuất nông nghiệp để mở rộng thị phần sang các thị trường tiềm năng. Việc xuất khẩu nông sản của Việt Nam còn phụ thuộc vào một số thị trường chính như Trung Quốc, Hoa Kỳ… cũng mang lại nhiều rủi ro khi các thị trường này có biến động.

Thứ hai là nhóm các khó khăn về chất lượng sản phẩm. Mặc dù khối lượng nông sản xuất khẩu rất lớn nhưng giá trị thu về so với tương quan khối lượng vẫn còn khiêm tốn hay nói cách khác là giá trị xuất khẩu thấp. Nguyên nhân cơ bản là chất lượng sản phẩm chưa ổn định, chưa đáp ứng được tiêu chuẩn, quy chuẩn của từng thị trường đặc biệt là các tiêu chuẩn về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc.

Thứ ba là nhóm các vấn đề về hạn chế trong tổ chức sản xuất. Hầu hết quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, liên kết sản xuất để tạo vùng sản xuất hàng hóa, đảm bảo yêu cầu của các nước nhập khẩu hoặc sản xuất theo quy trình kỹ thuật đạt chuẩn còn chưa phổ biến. Người dân, cán bộ kỹ thuật địa phương và chính quyền các cấp của một số địa phương chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc thiết lập và duy trì một vùng trồng đủ điều kiện xuất khẩu vì thế chưa dành sự quan tâm đúng mực cho công tác này. Kết nối thông tin giữa người sản xuất và doanh nghiệp chưa thông suốt, thiếu hiểu biết về quy định của các thị trường xuất khẩu cũng là một rào cản lớn trong phát triển sản xuất nông nghiệp hướng tới xuất khẩu của Việt Nam.

Chỉ bằng cách thay đổi tư duy, nâng cao nhận thức, cùng nhau chia sẻ thông tin và có một lộ trình, chiến lược tiếp cận bài bản, dài hạn thì mới có thể giải quyết được căn cơ các khó khăn tồn tại trên. Xuất phát từ những yêu cầu của thực tế, để góp phần triển khai có hiệu quả Chiến lược phát triển ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn bền vững giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Cục Bảo vệ thực vật xây dựng và triển khai Chương trình Sẵn sàng xuất khẩu (Ready to Export) với mong muốn thay đổi cách tiếp cận với chuỗi giá trị xuất khẩu nông sản có nguồn gốc thực vật bằng vị thế chủ động đón đầu, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện kỹ thuật cũng như pháp lý cho xuất khẩu để tăng lợi thế cạnh tranh và củng cố uy tín, thương hiệu của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.